Khoảng 8h ngày 15/7, các cán bộ của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam phát hiện một con cá voi xuất hiện trên biển. Theo hình ảnh được ghi lại, cá voi có màu đen, dài khoảng 4 - 5m, xuất hiện khoảng 5 phút tại khu vực Hòn Dài (đảo Cù Lao Chàm).
Trước đó, vào ngày 4/10/2019, đàn cá heo lên đến hàng trăm con đã xuất hiện ở vùng biển Cửa Đại (TP Hội An). Ngày 22/10/2019, ở vùng biển thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng xuất hiện đàn cá heo hàng chục con. Theo nhiều chuyên gia, cả hai địa phương đều có hệ sinh thái đa dạng, phong phú là khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và Vườn Quốc gia Côn Đảo, nên có thể là nguồn thức ăn của cá heo.
Theo TS Nguyễn Kiêm Sơn, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, việc xuất hiện cá heo hay cá voi ở vùng biển Việt Nam là rất bình thường, hàng năm đều có các cá thể cá heo hay cá voi mắc cạn dạt vào bờ. Tuy nhiên, vùng biển gần bờ lại là vùng biển nông, hoạt động đánh bắt cá, du lịch phát triển, nên chắc chắn đây không phải là vùng sinh sống thường xuyên hay là nơi sinh sản của cá voi và cá heo. Chúng chỉ sinh sản ở vùng biển lạnh như Nam Cực hay Bắc Cực, biển vắng vẻ, ít có hoạt động của con người. Việc xuất hiện cá heo hay cá voi như chúng ta thấy có thể do đàn cá đang đi theo một luồng thức ăn chảy qua, hoặc trên biển chuẩn bị xuất hiện cơn bão nhiệt đới nào đó nên cá tìm đường tránh và dạt vào vùng biển gần bờ.
Môi trường biển tốt gồm nhiều chỉ số như đa dạng sinh học tốt, kiểm soát ô nhiễm tốt, hệ sinh thái nguyên sinh được bảo tồn… Việc cá heo hay cá voi xuất hiện không thể khẳng định môi trường biển đã tốt lên mà cần có những nghiên cứu cụ thể hơn.
Cá voi và cá heo đều là những loài cá lành, không chủ động tấn công người. Chỉ lưu ý không được hoảng sợ la hét hay đùa giỡn quá trớn bởi với kích thước hàng chục tấn thì cá voi có thể gây nguy hiểm cho người ở quanh đó.
Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Thuận, Ninh Thuận… là những vùng biển sâu hơn nên khả năng xuất hiện các loài cá lớn cao hơn, trong đó có cá mập trắng có thể tấn công người. Cá mập phát hiện ra con mồi bằng nhiều giác quan như sóng âm, nhịp tim, chuyển động mặt nước, quan sát màu sắc ánh sáng... Để đề phòng, không nên tắm biển một mình ở nơi vắng vẻ, những người bị thương thì chỉ tắm gần bờ. Đặc biệt là những ngày biển động, gió biển nhiều thường làm cá mập dạt vào bờ. Nếu chẳng may gặp cá mập, nên giữ bình tĩnh vì tim đập mạnh sẽ làm cho cá mập tiếp nhận được sóng âm và nghĩ rằng đó là con mồi để lao tới.