Cá sống dưới nước nhưng có bao giờ bị khát nước không?

Loài cá sống trong môi trường nước có cần phải uống nước hay không? Và chúng có chịu cảnh khát nước như con người hay nhiều loại sinh vật khác?

Như chúng ta biết, con người sẽ bị phụ thuộc và không thể sống sót nếu thiếu nước. Nhiều loại động vật khác, nhất là những loài sống trên cạn cũng giống như vậy. Con người hay những loài động vật này liên tục bị mất nước và phải cung cấp nước vào trong cơ thể để có thể duy trì độ cân bằng giữa muối và nước.

Tuy nhiên, đối với cá nói riêng và những loài động vật sống trong nước nói chung, “khát” là một khái niệm hoàn toàn khác biệt.

Đầu tiên là khác với các loài động vật sống trên cạn phải liên tục cung cấp nước vào trong cơ thể, cá sống trong nước, vì thế chúng đã có thừa thãi nước và không bao giờ cảm thấy nhu cầu cấp thiết phải làm việc này.

Thứ hai là bản thân việc “khát” ở cá giống như một phản xạ vô điều kiện, nó cứ tự nhiên diễn ra như vậy thôi. Chúng không nhất thiết là phải cảm thấy khát mới uống nước. Vì vậy, có thể nói loài cá chẳng bao giờ cảm thấy khát nước cả.

Tuy nhiên, việc cá có khát nước hay không còn phụ thuộc vào chủng loại của chúng. Bởi vì, cá nước mặn và cá nước ngọt có giải phẫu sinh học khác nhau dẫn đến việc chúng có những hành vi khác nhau trong việc uống nước.

Cá nước ngọt có uống nước không?

Nồng độ muối trong máu của cá nước ngọt cao hơn nhiều so với môi trường nước bao quanh nó. Vì vậy, nếu cá nước ngọt uống nước, chúng sẽ phải đối diện với nguy cơ cao bị loãng máu. Đó là lý do vì sao cá nước ngọt không uống nước.

Thay vào đó, chúng sử dụng cơ chế thẩm thấu. Cá nước ngọt hấp thụ nước thông qua mang và da của chúng. Ngoài ra, chúng cũng thải ra nước tiểu loãng hơn nhiều để loại bỏ lượng nước thừa trong cơ thể.

Cá nước mặn uống nước thế nào?

Nếu so sánh với môi trường nước xung quanh thì cá nước mặn có máu loãng hơn nhiều. Vì vậy để tránh tình trạng cơ thể bị mất nước, cá nước mặn sẽ phải chủ động uống nước. Với ưu thế có chiếc mang đặc biệt mà cá nước mặn có thể uống nước biển, xử lý và thải ra ngoài toàn bộ lượng muối dư thừa./.

Theo Đời sống
back to top