BS Trần Văn Phúc: Chống Covid-19 bằng trí tuệ, Việt Nam sẽ chiến thắng!

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam đang đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 giữa những ngày nắng nóng cao độ. Cuộc chiến chống virus đang diễn biến phức tạp và nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã đối mặt với một tâm thế mới cùng văcxin. Để dự báo về cuộc chiến này, KH&ĐS đã có cuộc trò chuyện với BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, người có nhiều bài viết phân tích chuyên sâu về Covid-19 được hàng chục ngàn lượt theo dõi, thích và chia sẻ trên mạng xã hội.
BS Trần Văn Phúc (trái) trong một chương trình truyền hình.

BS Trần Văn Phúc (trái) trong một chương trình truyền hình.

Cần một “bàn thắng vàng”

Xin chào bác sĩ! Bác sĩ đánh giá thế nào về vị trí của Việt Nam hiện nay trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19?

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, mặc dù bị tấn công dồn dập và bao vây tứ phía, nhưng Việt Nam đã “ghi bàn thắng” ngay từ phút đầu tiên. Với biện pháp lập chốt chặn, truy vết quyết liệt nên vô hiệu hóa thành công các đợt tấn công. Tuy nhiên, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 còn nhiều khó khăn, Mỹ và các nước châu Âu đang dẫn đầu. Việt Nam cần một “bàn thắng vàng” mang tên văcxin Covid-19 của Việt Nam mới có thể nhanh chóng kết thúc cuộc chiến này...

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 khá nghiêm trọng vì đánh vào 2 vị trí quan trọng của nền kinh tế, đó là bệnh viện và khu công nghiệp. Quan điểm của bác sĩ về điều này như thế nào?

Đợt bùng phát dịch lần 4 này phức tạp hơn rất nhiều. Ngay cả với nhân viên y tế, những người được đào tạo chuyên sâu với những biện pháp phòng hộ theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất, mà vẫn bị virus tấn công thì rất khó để giãn cách xã hội trong thời gian 2 tháng như Hải Dương có thể loại bỏ virus khỏi cộng đồng. Cá nhân tôi ủng hộ cách làm của tỉnh Bắc Giang, cho phép 4 khu công nghiệp hoạt động trở lại, tôi tin số lượng ca nhiễm sẽ giảm và đặc biệt tỷ lệ F1 chuyển thành F0 sẽ giảm. Từ thực tế làn sóng dịch thứ 4 ở Bắc Giang, thực hiện cách ly tập trung, 79% số trường hợp F1 chuyển thành F0.

Theo tôi, khi hệ số lây nhiễm quá lớn và có sự trộn lẫn ca nhiễm virus trong quần thể nhạy cảm, thì việc cách ly tập trung trong nhà chỉ tăng nguy cơ lây nhiễm chéo. Cần làm ngược lại, xét nghiệm nhanh, tách ca nhiễm ra khỏi nhóm nhạy cảm hàng ngàn công nhân, thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân nghiêm ngặt, vẫn duy trì hoạt động sản xuất chứ không nên cách ly tập trung.

Nghe có vẻ trái ngược với việc ở trong nhà để chống dịch?

Các chuyên gia dịch tễ trên thế giới đều khẳng định: Covid-19 chủ yếu lây nhiễm trong nhà, rất ít có khả năng lây ngoài trời, bãi biển, công viên. Các hạt chứa virus ở ngoài trời sẽ bị gió pha loãng, nắng sấy khô, bị tia cực tím phá hủy. Tuy nhiên, khi có nhiều người tụ tập thành nhóm lớn mà không giữ khoảng cách vừa đủ thì nguy cơ vẫn cao.

Khi có tới hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày, thì cách li tập trung và điều trị tập trung sẽ không chỉ là gánh nặng cho chính quyền và y tế, mà còn có nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Trong 12 tháng tới sẽ là khó khăn nhất, phải làm sao khống chế số ca nhiễm để không quá sức chịu đựng của hệ thống y tế, giảm số ca tử vong. Muốn vậy, theo tôi nên cá thể hóa việc phòng chống dịch. Chúng ta đã có nhiều bài học của thế giới đó là sự thuận lợi. Thời gian có rút ngắn được hay không, phụ thuộc vào văcxin, chủ động tấn công Covid-19 thì bắt buộc phải có vũ khí là văcxin. Giải pháp tối ưu nhất để chiến thắng đại dịch đó là: “Văcxin, văcxin và văcxin - Tiêm phòng, tiêm phòng và tiêm phòng”.

Xét nghiệm Covid-19 tại Bắc Giang.

Xét nghiệm Covid-19 tại Bắc Giang. 

Dịch sẽ chấm dứt vào mùa hè năm 2022

Theo bác sĩ, sự xuất hiện của biến chủng mới tại Việt Nam có thật sự đáng lo ngại?

Hiện nay, trên toàn thế giới, SARS-CoV-2 có khoảng hơn 6.000 biến thể. Các biến thể, về cơ bản là virus đột biến hoặc tiến hóa, có những thay đổi trong bộ gene. Điều này hết sức bình thường. Nhưng có một số biến đổi làm cho virus dễ lây lan hơn, dễ gắn vào tế bào cơ thể người, hay lẩn tránh được một số loại kháng thể miễn dịch, thậm chí đột biến tạo ra tải lượng virus cao hơn trong cơ thể. Tuy nhiên, các biến thể virus vẫn là SARS-CoV-2, nghĩa là đặc tính sinh học tương đồng nhau, tác động lên cơ thể con người theo cùng một cách. Việt Nam đang nhiễm 2 biến thể phát hiện ở Ấn Độ và Anh với tốc độ lây nhiễm được khoa học ước tính tăng hơn 40 - 90% so với chủng virus ban đầu. Nhưng quan sát cá nhân tại các ổ dịch trong nước, tôi ước tính khả năng lây nhiễm cao chỉ xảy ra với điều kiện chúng ta để cho virus có cơ hội lây lan. Nếu mỗi cá nhân thực hiện các biện pháp phòng vệ cá nhân, như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách 2m, không tụ tập đông người ở những không gian kín thì những biến thể virus khó có cơ hội lan truyền trong cộng đồng với tốc độ cao.

Dư luận vẫn đang rất thắc mắc về khả năng kháng kháng thể của văcxin trước những biến thể mới của virus với tốc độ lây nhiễm và độc lực cao hơn?

Đúng là biến thể mới của virus lây nhanh gấp nhiều lần so với chủng cũ ở Vũ Hán. Tuy nhiên, theo những gì tôi quan sát và đọc các công trình nghiên cứu khoa học thì đến nay chưa thấy bất kỳ dữ liệu nào nói rằng 2 biến thể phát hiện ở Ấn Độ và Anh gây bệnh nặng hơn, mà ngược lại thậm chí còn khá nhẹ so với chủng cũ.

Về nguyên lý học của virus, trong quá trình tiến hóa, virus sẽ giảm độc lực để tăng khả năng lây nhiễm và tồn tại. Lẩn tránh miễn dịch là phổ biến với các loại virus. Kháng thể được tạo ra thông qua lây nhiễm tự nhiên hoặc tiêm chủng, có thể ít hiệu quả, thậm chí bị vô hiệu hóa, nhưng virus gây bệnh ở mức độ nhẹ thì cũng không phải là vấn đề quá lo ngại.

BS Trần Văn Phúc dự đoán mùa hè năm 2022 sẽ chấm dứt đại dịch.

BS Trần Văn Phúc dự đoán mùa hè năm 2022 sẽ chấm dứt đại dịch.

Bác sĩ đánh giá như thế nào về đại dịch toàn cầu, những làn sóng trong tương lai?

Hiện ở các nước châu Âu và Mỹ có sự tụt giảm đột ngột số ca nhiễm trong ngày, giảm theo cách đáng ngạc nhiên, tụt giảm nhanh và đều đặn. New Delhi và một loạt các thành phố khác ở Ấn Độ cũng sắp trở lại trạng thái bình thường mới sau đại dịch. Tôi dự đoán Mỹ và châu Âu sẽ đủ tiêu chuẩn đạt miễn dịch cộng đồng kể từ tháng 7 này. Ấn Độ còn phải mất 6 tháng đến một năm nữa.

Lịch sử cho thấy, đã từng có những đại dịch khủng khiếp, sau đó tỷ lệ lây nhiễm giảm nhanh chóng, virus bị xoá bỏ hoàn toàn. Ví dụ, hai trận dịch cúm kinh hoàng, gồm dịch cúm châu Á năm 1957 và dịch cúm Hồng Kông năm 1968, đã cướp đi sinh mạng của 4 triệu người; nhưng virus giống như chúng xuất hiện, sau đó biến mất đột ngột. Sự biến mất của virus, một số nhà khoa học trước đây cho rằng, có thể do virus đột biến xuất hiện chủng tiêu diệt chính nó. Kịch bản này, theo tôi xác suất xảy ra rất thấp, nhưng không gì là không thể xảy ra, nên chúng ta có quyền hy vọng.

Cũng có thể Covid-19 trở thành cảm cúm lẻ tẻ không nguy hại giống như dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Dịch cúm này đã cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người nhưng sau đó đột ngột giảm, virus đột biến trở thành cúm H1N1, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện nhưng gây hại không đáng kể. Dự báo của tôi là, đại dịch chính thức suy giảm trên toàn cầu kể từ tháng 7/2021, kéo dài đến mùa hè năm 2022 sẽ chấm dứt. Hiện Quỹ Văcxin Covid-19 Việt Nam đã được thành lập. Với sự góp sức của cả cộng đồng và xã hội, tôi hy vọng người dân trong nước sẽ sớm tiếp cận văcxin.

Bình tĩnh, tự tin, chống dịch bằng trí tuệ, Việt Nam sẽ chiến thắng!

Xin cảm ơn bác sĩ!

BS Trần Văn Phúc là 1 trong 10 thầy Thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014, anh cũng được biết đến với những bài báo viết về ngành y. Những bài viết của anh về y đức đã trở thành kịch bản cho bộ phim "Nỗi đau người thầy thuốc" - Giải vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc 2014. BS Phúc - nhân vật chính trong phim là một bác sĩ chưa bao giờ nhận phong bì. BS Phúc tâm niệm, người thầy thuốc trước hết phải chữa tâm bệnh, sau đó mới chữa đến căn bệnh thực thể. Đó chính là nền tảng của phương pháp thực hành y khoa mà anh theo đuổi.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top