BS Bệnh viện Việt Đức lưu ý khi điều trị F0 tại nhà: Tuyệt đối không dùng thuốc theo mách bảo

Không dùng thuốc theo "mách bảo", tập thể dục, ăn đủ chất, tinh thần lạc quan ... là những lưu ý khi điều trị F0 tại nhà.

Trao đổi với PV KH&ĐS, BS Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu Nghị  Việt Đức cho biết, có nhiều bệnh nhân nhắn hỏi BS về chủ đề liên quan đến việc điều trị F0 tại nhà.

bs-tran-quoc-khanh.jpg
BS Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu Nghị  Việt Đức.

Là một bác sĩ, đồng thời từ thực tế "gần đi hết chặng đường" chăm sóc F0 với 2 người lớn, 2 cháu nhỏ 10 tuổi và 7 tuổi trong gia đình, bác sĩ Khánh lưu ý một số điều khi điều trị F0 tại nhà như sau:

Những việc không nên làm:

1. Không dùng thuốc kháng virus Favipiravir hoặc Molnupiravir theo mách bảo của mọi người khi các bác sĩ chưa chỉ định. Hiện nay, hầu hết chúng ta đã tiêm đủ vắc xin và cơ thể sẽ tự chữa lành mà không cần đến những thuốc này. Thuốc kháng virus rất nhiều tác dụng phụ, khi sử dụng một cách thiếu hiểu biết và chưa có chỉ định, chúng ta sẽ nhận về mình những tác dụng phụ không đáng có.

2. Không dùng thuốc không rõ nguồn gốc: Những thuốc kháng virus xách tay từ Nga, Ấn… tuyệt đối không dùng khi không nắm rõ nguồn gốc và chưa có chỉ định từ bác sĩ. Vừa mất tiền mua giá cao, lại thêm hại sức khoẻ.

3. Thuốc chống đông máu (Rivaroxaban hoặc Apixaban) Corticoid (Dexamethasone, Methylprednisolon) không  được dùng tuỳ tiện dù là dự phòng. 

4. Thuốc kháng sinh không có tác dụng gì nếu chúng ta nhiễm virus mà không bội nhiễm vi khuẩn. Dùng sai sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, tổn thương gan thận.

Những việc nên làm:

Để hạn chế lây lan cho người khác, đối với gia đình có người nhiễm Covid-19 BS Trần Quốc Khánh khuyên nên chuẩn bị phòng riêng hoặc thuê phòng riêng, tuân thủ các quy định về cách ly của Bộ Y tế.

Để đề phòng những trường hợp trở nặng, bệnh nhân và người nhà cũng cần lưu số trạm y tế, đội hỗ trợ COVID-19 lưu động hoặc 115 để tiện liên lạc khi xảy ra tình huống khẩn cấp.

Cụ thể, người mắc COVID-19 và người nhà bệnh nhân cần lưu ý quy trình tự chăm sóc, điều trị tại nhà bao gồm:

- Người mắc COVID-19 nên nghỉ ngơi.

-  Vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe).

- Tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.

- Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; Tăng cường dinh dưỡng, ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả...

- Bổ sung những món tăng cường như soups, canh gà, cháo hành với các loại rau thơm và gia vị, tăng cường gia vị nâng cao sức đề kháng như tỏi, gừng, ớt đỏ, nghệ, tiêu…

- Thay nước lọc bằng nước oresol, trẻ em còn bú thì cho bú tăng cường nếu sốt/trớ. Trẻ nhỏ thì nhắc uống nước sau 1 khung giờ nhất định.

- Súc họng bằng nước muối tầm 4 tiếng 1 lần, vệ sinh răng miệng trước + rửa mũi + nhỏ mắt khi ngủ và sau khi ngủ dậy.

- Thuốc điều trị tại nhà chỉ tập trung điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm ho, long đờm, bù điện giải và vitamin.

- Nếu bệnh nhân bị sốt thì nên mặc áo quần mỏng, uống nhiều nước, chườm mát nách, bẹn, trán (nơi da mỏng và nhiều mao mạch nông).

Trẻ con sốt trên 38.5 dùng hạ sốt paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng và có thể nhắc lại 6 tiếng/1 lần nếu còn sốt.

Trong trường hợp khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, người mắc COVID-19 phải thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để được xử trí. Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm ho khi ho khan nhiều.

"Đặc biệt, cần giữ tâm lý bình tĩnh, lạc quan và tỉnh táo, điều này rất quan trọng. Tâm lý tốt sẽ làm hệ miễn dịch mạnh, từ đó tự cơ thể sẽ chữa lành. Xin đừng để người khác truyền tải nhưng thông tin lệch lạc, giới thiệu những sản phẩm không cần thiết, tiền mất tật mang", BS Khánh chia sẻ.

BS Trần Quốc Khánh cho biết, khi có người nhà bị mắc COVID-19, chúng ta cần chuẩn bị những dụng cụ và đồ dùng thiết yếu sau:
- Cặp nhiệt độ (2 cái).
- Que test nhanh (20 que).
- Máy đo Spo2.
- Khẩu trang.
- Găng tay (1 hộp).
- Tấm kính chắn.
- Máy theo dõi bệnh nền (máy thử tiểu đường, máy đo huyết áp...) cũng như các thuốc đi kèm (hạ áp, tiểu đường….).
- Thuốc men (chuẩn bị 1 tháng):
- Hạ sốt các loại (Efferalgan, Panadol sủi, đặt hậu môn…).
- Oresol pha uống.
- Nước muối súc họng.
- Nước rửa mũi, xịt mũi.
- Thuốc nhỏ mắt.
- Thuốc long đờm.
- Thuốc chống ho.
- Cồn sát trùng, nước sát khuẩn tay và vật dụng khác.

- Thảo dược trị cảm cúm theo Đông y.
- Thuốc điều trị bệnh nền (Hạ áp, tiểu đường, bình xịt hen…).

Theo Đời sống
back to top