Bóc tách khối phình mạch thân tạng rất hiếm gặp

Phình mạch thân tạng là bệnh rất hiếm gặp, theo y văn trên toàn thế giới hiện mới chỉ có khoảng 200 ca bệnh được báo cáo. Có 1 bệnh nhân trẻ cùng lúc 2 khối phình động mạch thân tạng và động mạch đùi phải dọa vỡ nguy hiểm.

Đau lưng không tìm ra bệnh bất ngờ do mạch máu phình

Bệnh nhân T.T.N (34 tuổi) ở thị xã Quảng Yên, có tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu, đang điều trị thuốc chống đông máu 2 năm nay tại Bệnh viện Bạch Mai. Khoảng 10 ngày trước vào viện, bệnh nhân xuất hiện đau tức vùng thượng vị, đau lan sau lưng, đến phòng khám tư thăm khám không ra bệnh, được kê thuốc điều trị song không đỡ.

Đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, bệnh nhân được chụp cắt lớp mạch máu toàn thân, bác sĩ phát hiện một khối giả phình ở động mạch thân tạng kích thước 2 x 3 cm và một khối giả phình ở động mạch đùi phải 3 x 3 cm.

Hội chẩn đánh giá tình trạng đau tức vùng phình mạch ngày càng nhiều, khối phình dọa vỡ nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu cắt bỏ khối phình động mạch và thay thế bằng đoạn mạch nhân tạo.

Kíp phẫu thuật khoa Ngoại thực hiện cắt khối phình động mạch thân tạng rất hiếm gặp.

Kíp phẫu thuật khoa Ngoại thực hiện cắt khối phình động mạch thân tạng rất hiếm gặp.

Ngày 13/6/2024, ca mổ do kíp phẫu thuật mạch máu của khoa Ngoại phối hợp với khoa Gây mê hồi sức thực hiện. Kíp bác sĩ thực hiện gây mê toàn thân và đặt các đường truyền để theo dõi huyết áp liên tục trong suốt cuộc mổ diễn ra và dự phòng truyền máu nhanh khi cần thiết.

Phẫu thuật viên tiến hành mở bụng, bộc lộ động mạch chủ bụng đoạn dưới cơ hoành và các nhánh của động mạch thân tạng. Kiểm tra thấy khối phình của động mạch thân tạng viêm dính vào tổ chức xung quanh và động mạch chủ bụng gây khó khăn, kíp mổ đã khéo léo phẫu tích.

Sau đó kiểm tra các mạch nuôi gan lách và dạ dày thấy các vòng nối lưu lượng tốt và không bị thiếu máu tạng, phẫu thuật viên tiến hành kẹp động mạch chủ, cắt bỏ khối phình mạch và khâu lại thành động mạch chủ. Tiếp tục cắt bỏ khối giả phình động mạch đùi và nối động mạch chậu – đùi bằng đoạn mạch nhân tạo.

Khối phình động mạch thân tạng trước và sau phẫu thuật

Khối phình động mạch thân tạng trước và sau phẫu thuật

Sau 3 giờ phẫu thuật căng thẳng, ca mổ thành công, bệnh nhân mất rất ít máu do quá trình bóc tách, khâu nối tỉ mỉ. Bệnh nhân tỉnh táo và vận động nhẹ nhàng được ngay sau mổ.

Ngồi dậy sau ca đại phẫu, bệnh nhân N. vui vẻ chia sẻ: “Đau bụng đi khám, uống thuốc vài nơi không ra bệnh, may mắn đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh được các bác sĩ phát hiện ra khối phình mạch hiếm gặp. Không nghĩ mình mới trẻ tuổi mà đã bị bệnh nguy hiểm như vậy. Đúng là “gặp thầy gặp thuốc”, tôi trải qua ca mổ nặng nề như vậy mà lại hồi phục nhanh. Cảm ơn các bác sĩ khoa Ngoại rất nhiều”.

Bệnh hiếm gặp, phẫu thuật phức tạp

Động mạch thân tạng là một nhánh được tách ra từ động mạch chủ bụng cung cấp máu nuôi gan, lách, tuyến tụy và một phần ống tiêu hóa, có đường kính trung bình khoảng 6-8 mm. Khi đường kính động mạch giãn to trên 1,5 lần so với bình thường thì được gọi là phình động mạch thân tạng.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính dựng hình khối phình động mạch thân tạng trước và sau phẫu thuật

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính dựng hình khối phình động mạch thân tạng trước và sau phẫu thuật

Phẫu thuật là phương án điều trị tối ưu cho bệnh lý này. Đây là bệnh rất hiếm gặp, theo thống kê cho tới nay trên thế giới mới có khoảng gần 200 bệnh nhân bị phình động mạch thân tạng được báo cáo.

BSCKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: Phẫu thuật phình mạch tạng ổ bụng nói chung và phình động mạch thân tạng nói riêng là những phẫu thuật rất phức tạp và căng thẳng. Do động mạch này nằm ở sâu, khi tiếp cận cắt bỏ khối phình cần bộc lộ và bảo tồn nguyên vẹn các tạng xung quanh (dạ dày, tuỵ, lách…).

Trường hợp của bệnh nhân N. cũng là ca bệnh rất hiếm gặp, chưa từng có tiền lệ trước đó. Vì vậy, kíp mổ đã tính toán, chuẩn bị các phương án để cô lập động mạch chủ bụng trong thời gian ngắn nhất, nhằm tránh biến chứng thiếu máu gây suy tạng sau mổ.

Bệnh nhân hồi phục nhanh, ngồi dậy vận động sau mổ 3 ngày.

Bệnh nhân hồi phục nhanh, ngồi dậy vận động sau mổ 3 ngày.

Cùng với đó là sẵn sàng phương án bắc cầu từ động mạch chủ bụng đến gan, lách, tuỵ khi không đủ vòng nối. Để làm được những điều này đòi hỏi kinh nghiệm về phẫu thuật tiêu hoá và mạch máu tạng. Ca mổ kéo dài với những diễn biến trong mổ khôn lường, song với sự phối hợp tốt của các ê kíp, cả hai khối phình đã được cắt bỏ thành công để cứu sống người bệnh”.

Nguyên nhân chính của bệnh phình động mạch thường do xơ vữa mạch hoặc do thoái hóa thành mạch. Triệu chứng của phình động mạch thân tạng khi chưa vỡ nhiều khi chỉ là đau bụng thoáng qua, do vậy rất dễ bị bỏ sót.

Phình động mạch là bệnh rất nguy hiểm bởi khi vỡ túi phình máu sẽ ồ ạt chảy vào ổ bụng khiến người bệnh sốc mất máu và rất dễ tử vong. Tỷ lệ vỡ khối phình rất cao ngay cả với những túi phình kích thước nhỏ. Vì vậy, khi có những dấu hiệu đau bụng bất thường, người dân cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

BS.CKII Phạm Hùng - Hà Trang (Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh)

Theo VietnamDaily
back to top