Một tháng trở lại đây, Hồ Tây bắt đầu rút nước. Ven bờ hồ, đặc biệt là khu vực chùa Trấn Quốc và dọc đường Thanh Niên nổi lên các mảng đá, gạch cùng với các loại rác thải, nhìn rõ cả những bát hương, đồ thờ cúng... |
Có cả một số bát hương mới với đầy đủ chân nhang... |
Những bát hương bằng sứ, bình hoa… cùng đủ loại đồ dùng từ bàn thờ vong được vứt bỏ. |
Vào mùa nước hồ cạn, những vật dụng này lộ ra trông rất mất mỹ quan đô thị. |
Không những thế còn gây nguy hiểm cho người xung quanh, nhất là công nhân vệ sinh có thể đứt xước chân tay khi tiếp xúc hoặc dẫm vào các mảnh gốm sứ do bát hương, bình hoa bị vỡ. |
Ban Quản lý Hồ Tây cho biết, trong 5 ngày từ 29/12-3/1/2025, đơn vị sẽ phối hợp với cơ quan duy tu duy trì Hồ Tây, Xí nghiệp thoát nước số 1, số 2 trực thuộc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội tổ chức, tăng cường nhân, vật lực để thu gom, xử lý các vật dụng tâm linh bị bỏ đi. Cụ thể, Ban Quản lý Hồ Tây thực hiện tăng ca, tăng người để xử lý hơn 17km khu vực quanh hồ để đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan, đảm bảo Hồ Tây luôn sáng - xanh - sạch - đẹp. |
Ông Đinh Tiến Dũng, Xí nghiệp thoát nước số 1 thuộc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội cho biết: “ Chúng tôi rất vất vả vì nhiều vật dụng được vô tư xả xuống. Công nhân lao động chúng tôi chỉ biết khi người ta vứt xuống hồ thì mình phải nhặt thôi. Mong các cấp chính quyền có giải pháp cũng như tuyên truyền để người dân không vứt đồ xuống hồ nữa. Để Hồ Tây trở lại đúng nghĩa với cụm từ “Lá phổi xanh của Thủ đô”. |
Vứt bỏ những đồ thờ xuống hồ là phong tục lâu đời, nhưng đang tạo ra những hình ảnh xấu xí, nhất là khi hồ cạn. Hy vọng, hình ảnh này sẽ khiến mỗi chúng ta thay đổi suy nghĩ. |
“Tôi ở làng Hồ, phường Bưởi. Theo phong tục các cụ ngày xưa để lại, những vật dụng thờ cúng như bát hương… người ta hay mang ra ao, hồ thả xuống. Bây giờ nước cạn nên nó lộ trơ ra. Nói chung vứt các thứ ra hồ là không được đẹp lắm”, ông Lý Quảng, 75 tuổi cho biết. |