“Bộ Tài chính sẽ quản lý quỹ vaccine Covid-19 một cách công khai, minh bạch và chi tiền theo từng đợt mua vaccine”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ với Zing.
Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ giao quản lý, sử dụng Quỹ vaccine phòng Covid-19 (VFVC), theo quyết định thành lập được Thủ tướng ký ngày 26/5. Sự kiện ra mắt quỹ được tổ chức vào tối 7/6, với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nhân sự kiện này, Zing đã có trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Thuận Thắng. |
Đã có 5.000 tỷ đồng đăng ký ủng hộ quỹ vaccine
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, ngay sau khi có quyết định thành lập quỹ vaccine Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định thành lập ban quản lý quỹ, mở tài khoản, công bố các thông tin về quỹ.
Theo đó, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước làm giám đốc Ban quản lý quỹ. Ban quản lý quỹ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, tự chấm dứt hoạt động và giải thể sau khi cơ quan có thẩm quyền công bố hoàn thành việc tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 cho người dân.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết đến nay, số tiền được các tổ chức, cá nhân chuyển quỹ đã là 104 tỷ đồng. Trong khi đó, Bộ Y tế cũng đã tiếp nhận khoảng 1.000 tỷ đồng ủng hộ quỹ từ các nguồn khác nhau. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng cho biết các tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của Ủy ban đã đăng ký ủng hộ khoảng 2.000 tỷ đồng.
Để tiêm chủng cho 70% dân số, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine. Ảnh: Chí Hùng. |
“Như vậy, ngoài số dư 104 tỷ đồng, số tiền đăng ký chuyển vào quỹ vaccine Covid-19 đến nay thêm khoảng 5.000 tỷ đồng”, ông Phớc chia sẻ.
Người đứng đầu ngành tài chính cho biết quỹ vaccine sẽ giúp bổ sung tiền, cùng với ngân sách Nhà nước, đủ để tiêm chủng cho 70% dân số. Theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm được 70% dân số, Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vaccine. Tương ứng, số tiền bỏ ra để mua vaccine cần khoảng 25.000 tỷ đồng. Hiện tại, ngân sách Nhà nước đã bố trí được 14.100 tỷ đồng.
Bước đầu, quỹ vaccine sẽ giúp tiêm chủng miễn phí cho khoảng 70% dân số
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
Số tiền còn lại cần huy động tiền đóng góp của dân, các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân, để đảm bảo đủ tiền mua 150 triệu liều.
“Bước đầu, quỹ vaccine sẽ giúp chúng ta tiêm chủng miễn phí cho khoảng 70% dân số”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Ông nhấn mạnh Bộ Tài chính sẽ vận hành và quản lý quỹ một cách minh bạch, thông tin công khai rõ ràng. Số thu của quỹ cũng sẽ được ghi nhận và sẽ được công khai minh bạch trên các website của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định.
Bộ trưởng Phớc cho biết căn cứ vào quyết định của Thủ tướng về việc mua vaccine theo từng đợt, Bộ Tài chính sẽ chuyển tiền cho Bộ Y tế tương ứng. Bộ Y tế là đầu mối mua vaccine trực tiếp và sẽ tiến hành tiêm cho người dân.
Doanh nghiệp tự mua vaccine phải tự trả tiền
Trước câu hỏi, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vaccine và có thể chủ động mua về, Bộ Tài chính có cấp tiền trong quỹ vaccine cho doanh nghiệp mua hay không, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh quỹ chỉ cấp tiền cho Bộ Y tế, mua vaccine về phục vụ mục đích toàn dân.
“Các doanh nghiệp chủ động mua thì họ phải tự đảm bảo kinh phí. Quỹ vaccine để phục vụ mua 150 triệu liều, mục tiêu bước đầu là tiêm cho 70% dân số”, ông nói.
Người đứng đầu ngành tài chính cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp có thể chủ động muốn mua vaccine, nhưng phải thông qua Bộ Y tế, hoặc các doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp phép, để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển, bảo quản, tiêm chủng…
Quỹ vaccine phục vụ tiêm chủng toàn dân, doanh nghiệp chủ động mua phải tự đảm bảo kinh phí. Ảnh: Chí Hùng. |
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết quỹ vaccine bước đầu chưa thể đủ tiền mua đủ để tiêm được hết được cho 100% dân số Việt Nam. Do đó, rất cần thêm nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… chung tay cùng Chính phủ trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine.
Theo tính toán bước đầu của Bộ Tài chính, nếu tiêm cho 100% dân số thì cần số tiền khoảng 40.000 tỷ đồng, do đó cần phải huy động thêm nhiều nguồn trong tương lai.
“Có ý kiến nói rằng thu ngân sách 5 tháng đầu năm tăng vượt mức cùng kỳ, trong khi Chính phủ vẫn huy động tiền để chung tay mua vaccine Covid-19. Ý kiến của Bộ trưởng thế nào?”, Zing đặt câu hỏi tới người đứng đầu ngành tài chính.
Nếu tiêm cho 100% dân số thì cần số tiền khoảng 40.000 tỷ đồng, do đó cần phải huy động thêm nhiều nguồn trong tương lai
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích tăng thu ngân sách 5 tháng đầu năm thực chất là tăng so với cùng kỳ. Tổng số thu lũy kế 5 tháng qua ước đạt 562.360 tỷ đồng, bằng hơn một nửa kế hoạch năm Quốc hội giao, bằng 112% so với cùng kỳ năm 2020.
“Chúng ta tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chưa chắc đã đạt được dự toán cân đối cả năm đạt ra từ đầu năm”, ông nói.
Người đứng đầu ngành tài chính cho biết từ nay đến tháng 12, Chính phủ áp dụng nhiều chính sách như giãn, hoãn, giảm thuế, phí. Nghĩa là số thu vào ngân sách sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tiền để mua vaccine lại không có trong dự toán ngân sách hàng năm đã được Quốc hội duyệt.
Bộ Tài chính đang bố trí 14.100 tỷ ngân sách để mua vaccine là số dư ngân sách năm ngoái, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để mua vaccine. “Do diễn biến dịch bệnh phức tạp nên chưa dự báo được tiền mua vaccine từ năm ngoái, nên khi xây dựng dự toán là chưa có”, ông Hồ Đức Phớc chia sẻ.
Bộ Y tế cho biết theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ đủ 18 tuổi trở lên.
Hiện Bộ Y tế đã đặt mua 5 triệu liều của Moderna, 31 triệu liều của Pfizer, 20 triệu liều Sputnik V (Nga), 30 triệu liều từ AstraZeneca, 38,9 triệu liều từ chương trình Covax Facility...
Đến ngày 5/4, Bộ Y tế cho biết đã đàm phán được 170 triệu liều trong năm nay.