Bỏ hết chốt chặn sau 30/9, xe cộ được lưu thông nội thành TP.HCM

Chỉ thị mới về phục hồi kinh tế dự kiến cho phép mở lại nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, người dân được yêu cầu tuân thủ 5K nhưng được tham gia nhiều hoạt động.

Sáng 30/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp báo công bố chỉ thị mới về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Việc công bố trước đó dự kiến diễn ra vào chiều 29/9, song phải lùi lại để hoàn thiện một số nội dung chỉ thị.

Buổi họp báo được chủ trì bởi ông Lê Hải Bình, Phó ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo TP.HCM về phòng, chống dịch Covid-19.

Tỷ lệ tiêm vaccine của vùng còn thấp

Mở đầu họp báo, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, thông tin về chỉ thị mới nhất về tiếp tục điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội tại thành phố. Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố; số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm; tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% mũi 1 và trên 45% mũi 2.

Một số hoạt động thí điểm phục hồi kinh tế - xã hội tại quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi đảm bảo an toàn, ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại thành phố vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao.

Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trong buổi họp sáng 30/9. Ảnh: Thu Hằng.
Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trong buổi họp sáng 30/9. Ảnh: Thu Hằng.

Mặt khác, tỷ lệ tiêm vaccine tại các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 của thành phố chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của thành phố phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng.

“Đây là việc phải từng bước đánh giá, điều chỉnh các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Vì kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM phải gắn với kinh tế vùng và cả nước. Đây là đặc điểm rất quan trọng”, ông Bình nói.

3 mục tiêu trong chỉ thị mới

Chỉ thị mới của TP.HCM đặt ra 3 mục tiêu. Thứ nhất là tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn thành phố; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.

Thứ hai, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân thành phố.

Thứ ba, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.

"Chúng ta mở các hoạt động nhưng ưu tiên phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất, đảm bảo không đứt chuỗi hoạt động, đưa sinh hoạt của người dân từng bước sang bình thường mới", ông Bình làm rõ mục tiêu.

Không mở cửa ồ ạt sau 30/9

"Tinh thần không phải ngay sau 30/9 trên toàn địa bàn thành phố tất cả hoạt động được ồ ạt mở mà phải thận trọng từng bước, có lộ trình để đảm bảo an toàn, sức khỏe của người dân là trên hết", ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

Trong cuộc họp đến 21h tối 29/9, Ban Thường vụ Thành ủy đã quán triệt đến các địa phương về khu vực nào trong danh mục được cho phép hoạt động, mở cửa đến đâu thì phải đảm bảo an toàn cho người dân đến đó. "Người dân không được ra đường số lượng lớn ngay một lúc mà phải tính toán", ông Bình nói.

Ông Bình nhận định suốt thời gian qua, TP.HCM nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo an sinh. Song song với đó, ý thức của người dân đã được nâng lên rất cao.

"Nếu không ý thức được công tác phòng, chống dịch và trở nặng sẽ rất khó khăn để trở lại", Phó chủ tịch TP.HCM khuyến cáo. Theo ông, lộ trình mở cửa là ưu tiên phát triển kinh tế để người dân góp phần xây dựng thành phố.

Phương tiện cá nhân được phép lưu thông trong TP.HCM

Vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa được hoạt động phù hợp với cấp độ dịch bệnh từng khu vực, địa phương, theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ lưu thông trong thành phố.

"Nếu đi liên tỉnh phải được sự cho phép của Sở Giao thông Vận tải", ông Bình nhấn mạnh.

Vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Y tế.

Hiện, Bộ GTVT đã hoàn thiện kế hoạch cho giao thông quốc nội và đang chờ hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhưng khi đi, người dân cần sự cho phép của nơi đi và nơi đến. Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn việc đi lại giữa các tỉnh trong vùng của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh); tổ chức vận chuyển người lao động về thành phố; lưu thông liên tỉnh trong trường hợp cấp thiết.

Shipper vận chuyển hàng hóa tiếp tục hoạt động theo hướng dẫn của Sở Công Thương. Hiện, có hơn 80.000 shipper (theo số liệu Sở Công Thương) vẫn hoạt động bình thường.

TP.HCM tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Các chốt kiểm soát tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, thành phố tổ chức chốt kiểm soát lưu động, không để tập trung đông người tại chốt kiểm soát.

"Sau ngày 30/9 sẽ thấy không còn chốt chặn như trước nhưng Công an TP vẫn duy trì chốt lưu động, kiểm tra, giám sát và tuần tra để đảm bảo an toàn", Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Ông Bình nhấn mạnh tinh thần đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hoá giữa TP.HCM với các địa phương một cách thuận lợi, đáp ứng phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Người dân không tự ý đi lại liên tỉnh, TP.HCM tổ chức cho công nhân vào TP làm việc

Ngoài việc luôn thực hiện 5K, đề cao cảnh giác, người dân TP.HCM khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng "Y tế HCM" thể hiện lịch sử tiêm vaccine.

Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình giấy tờ chứng nhận F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; hoặc đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và sau 14 ngày.

"Sau ngày 30/9 sẽ không phải cấp giấy đi đường và dùng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân”, ông Bình làm rõ. Đây là nội dung gây khó khăn cho nhiều hoạt động nhưng phải thực hiện trong giai đoạn phải kiểm soát dịch bệnh.

Khi người dân có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở...) hoặc cần cấp cứu, liên hệ ngay với Tổ phản ứng nhanh Covid-19 tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115.

Trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, liên hệ ngay các Tổ An sinh xã hội của địa phương, Tổng đài 1022 hoặc đăng ký trên ứng dụng An sinh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.

TP.HCM đặc biệt lưu ý người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác; trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh thì theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải.

"Người đi xe cá nhân sẽ không đi qua được các chốt liên tỉnh. Người dân mở rộng việc tham gia giao thông của người dân để tiếp cận các điều kiện tốt hơn. TP.HCM sẵn sàng đón công nhân có tham gia hoạt động sản xuất tại TP.HCM nhưng thời gian qua đã về quê, đặc biệt tại các tỉnh giáp ranh (Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai) sẽ phối hợp quy trình để đưa công nhân về TP.HCM bằng phương tiện chung", ông Bình nhấn mạnh.

Tất cả khu công nghiệp và khu chế xuất đang rất thiếu công nhân lao động, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Khi làm chỉ thị này, lãnh đạo TP đã trực tiếp gặp các hiệp hội doanh nghiệp để lấy ý kiến. Các ý kiến này đều mong muốn công nhân quay lại sản xuất, được ưu tiên 2 mũi vaccine để không trở nặng khi bị nhiễm.

TP.HCM đã có văn bản gửi 62 tỉnh, thành để có quy trình phối hợp đón công nhân trở lại TP.HCM. Người nước ngoài khi nhập cảnh vào TP.HCM khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc các giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại thành phố.

TP.HCM kêu gọi người dân ở lại TP làm việc

Căn cứ chỉ thị mới, thủ trưởng các sở, ban, ngành, doanh nghiệp thuộc thành phố ban hành kế hoạch, quy định, hướng dẫn chi tiết triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa bàn, lĩnh vực do mình phụ trách; quản lý và tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền. Căn cứ tình hình dịch tễ tại từng cơ quan, đơn vị, địa bàn, lĩnh vực phụ trách, các sở, ban, ngành phối hợp với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức xử lý theo thẩm quyền; trường hợp phát sinh vượt thẩm quyền, báo cáo UBND TP xem xét, điều chỉnh phù hợp.

"Không phải ngày mai đồng loạt mở cửa tại tất cả địa bàn mà các quận, huyện phải có kế hoạch, lộ trình và phải đảm bảo công nhân tham gia tổ chức sản xuất mới mở cửa được", ông Bình nhấn mạnh.

Cụ thể, siêu thị muốn mở cửa phải tính toán công nhân đã tham gia đầy đủ chưa. 3 đơn vị thí điểm (quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ) khi mở cửa cũng gặp khó khăn liên quan đến người lao động.

Lực lượng lao động tại TP.HCM hãy yên tâm ở lại thành phố để tham gia lao động, đảm bảo cuộc sống của mình. Khi làm việc với các tỉnh, lãnh đạo đều nhận định không ai chăm lo tốt cho người dân bằng chính họ. Vấn đề là phải tạo công ăn việc làm cho người dân.

"Các công trình, xây dựng, nhà máy mở cửa lại rất nhiều, rất thiếu hụt lao động. Người dân ở lại thành phố, được ưu tiên chích vaccine và phải đảm bảo cuộc sống của mình", ông Bình kêu gọi.

Gần 100% công nhân KCX, KCN đã được tiêm 2 mũi vaccine

TP.HCM yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị Nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.

Thành phố sử dụng các ứng dụng do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 thành phố triển khai để cung cấp thông tin dịch tễ cho người dân, quản lý sản xuất, kinh doanh và hoạt động giao thông vận tải.

Về an sinh xã hội, TP.HCM sẽ triển khai gói hỗ trợ đợt 3; có chính sách hỗ trợ người già neo đơn, trẻ mồ côi do dịch Covid-19; hỗ trợ gạo, huy động mọi người lực giúp đỡ người khó khăn. Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch sẽ được hỗ trợ đợt 2.

UBND quận, huyện, TP Thủ Đức được yêu cầu đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và xem xét, điều chỉnh mức độ giãn cách, mở rộng hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp tại từng khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân.

"Gần 100% công nhân ở khu chế xuất khu công nghiệp được ưu tiên và đến nay gần như đã được đảm bảo 2 mũi", ông Bình cho biết

Ưu tiên tiêm vaccine cho người trên 50 tuổi

Ông Lê Hòa Bình cho biết giai đoạn tới, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine, ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu, người nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất và cho trẻ em (khi có hướng dẫn và vaccine phù hợp).

Về xét nghiệm, khu vực nguy cơ 3 (cam) và 4 (đỏ) tiếp tục thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để bóc tách nguồn lây nhiễm mạnh.

Bên cạnh đó, TP.HCM xét nghiệm tầm soát tất cả người có triệu chứng nghi ngờ, giám sát có trọng điểm tại khu vực nguy cơ cao. TP khuyến khích doanh nghiệp tự xét nghiệm nhanh định kỳ.

Về chăm sóc F0 tại cộng đồng, TP.HCM yêu cầu ban hành quy trình quản lý và xử lý khi phát hiện F0 trong cộng đồng trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động.

Các quận, huyện, TP Thủ Đức phải có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng, đảm bảo 100% các trạm y tế có oxy y tế và kịp thời cấp cứu cho người mắc Covid-19 đang cách ly tại nhà, đồng thời phát huy tổ phản ứng nhanh Covid tại địa phương trên tất cả địa bàn phường, xã, thị trấn. Các địa phương cũng phải có phương án thiết lập trạm y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp (kết hợp với bộ phận y tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh)

Mô hình 3 tầng điều trị tiếp tục được duy trì. Bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa nghiên cứu lập "Khoa Covid-19".

“Suốt thời gian qua, hệ thống y tế gần như chỉ tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Đây là lúc phải phục hồi lại hoạt động để chữa trị các bệnh khác”, ông Bình nói.

Hơn 4 tháng giãn cách

TP.HCM đến nay đã trải qua hơn 4 tháng giãn cách xã hội các mức độ, trong đó có hơn một tháng giãn cách nghiêm ngặt (từ 23/8).

Trước đó, ngày 24/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký công văn gửi Thủ tướng xin ý kiến áp dụng quy định riêng về mở cửa nền kinh tế. Ngày 28/9, Văn phòng Chính phủ có công văn đề nghị Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phối hợp với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương nghiên cứu, đề xuất áp dụng quy định riêng với việc mở cửa nền kinh tế theo kiến nghị của TP.HCM.

Ngày 26/9, TP.HCM có công văn khẩn gửi 22 địa phương đề nghị góp ý dự thảo Chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.

Theo dự thảo chỉ thị này, từ 0h ngày 1/10, TP.HCM dự kiến từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19” của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo tinh thần của dự thảo, TP.HCM vẫn kiểm soát chặt chẽ người ra/vào thành phố. Tuy nhiên, trong nội thành, nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ được mở trở lại với điều kiện người tham gia có thẻ xanh Covid-19 và cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh đảm bảo chấp hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên các lĩnh vực.

Tình hình dịch bệnh TP.HCM 22/8 tới nay
Nguồn: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM
Nhãn 22/8 23/8 24/8 25/8 26/8 27/8 28/8 29/8 30/8 31/8 1/9 2/9 3/9 4/9 5/9 6/9 7/9 8/9 9/9 10/9 11/9 12/9 13/9 14/9 15/9 16/9 17/9 18/9 19/9 20/9 21/9 22/9 23/9 24/9 25/9 26/9 27/9 28/9
Ca nặng thở máy Ca 2519 2563 2609 2639 2697 2739 2246 2372 2752 2699 3369 4172 2266 2706 2915 5196 3616 2793 2783 2790 2690 2616 2576 2529 2544 2514 2420 2350 2342 2234 2174 2056 2037 2049 1918 1856 1793 776
Ca tử vong trong ngày
340 292 266 242 287 271 256 245 335 303 217 250 256 222 233 253 268 203 195 188 200 228 199 189 160 166 165 182 163 184 181 175 140 123 131 122 131 113
Ca nhiễm mới trong ngày
4193 4251 4627 5294 3934 5383 5481 4957 5889 5444 5368 5963 8499 4104 6223 7122 7310 7380 5549 7539 5629 6158 5446 6312 5301 5735 5972 4237 5496 5171 6521 5435 5052 3786 4050 5121 4135 3794
Ca xuất viện
1742 1671 2071 2309 2121 2236 2643 2246 2372 3053 2699 3369 4172 2266 2706 2915 5196 3616 3116 3700 3392 2925 2553 3100 2506 2507 3287 2270 2637 2301 2725 3258 3260 3607 3495 2936 3131 3708

Liên tiếp từ 6/9 tới nay, số ca bệnh nặng phải thở máy và số ca tử vong tại TP.HCM có xu hướng giảm dần. 5 ngày vừa qua, số ca nhập viện đều thấp hơn số ca xuất viện. Những chỉ số này cho thấy tín hiệu tích cực sau gần 5 tháng chống dịch của TP.HCM.

Tính đến sáng 30/9, TP.HCM ghi nhận hơn 380.000 ca nhiễm nCoV. Đô thị lớn nhất cả nước đã trải qua hơn 4 tháng giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ.

Theo zingnews.vn
Tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu là ai?

Tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu là ai?

Bộ trưởng Bộ Công an điều động và bổ nhiệm Đại tá Lê Anh Hưng - Trưởng phòng, Phòng Điều tra các tội phạm khác, Cục An ninh điều tra (Bộ Công an), đến nhận công tác và giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu.
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
back to top