UBND các tỉnh có chế tài xử lý các nhà đầu tư không hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đồng thời, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tiến độ và chất lượng trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Bộ GTVT cũng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, đôn đốc, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng bảo đảm tiến độ, đồng bộ, kết nối liên thông.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với từng địa phương, từng nhà đầu tư BOT để thống nhất phương án lắp đạt các làn thu phí ETC còn lại tại tất cả các trạm thu phí và hoàn thành trong tháng 6/2022.
Đến 30/6/2022, nếu việc triển khai không đáp ứng tiến độ, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp thẩm quyền có biện pháp xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan nếu để chậm tiến độ hoàn thành hệ thống thu phí ETC.
Theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện còn 106 làn thu phí thuộc 24 trạm thu phí cần lắp đặt ETC, chưa kể 140 làn do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.
Trong đó, 48 làn thuộc 13 trạm do Bộ GTVT quản lý đang triển khai lắp đặt các làn ETC còn lại. Còn lại 58 làn thuộc 11 trạm do địa phương là: Quảng Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng quản lý, sẽ do uỷ ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm triển khai.
Tính đến đầu tháng 4/2022, đối với các trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền, hồ sơ thiết kế các làn còn lại tại các trạm thu phí đều được Tổng cục Đường bộ Việt Nam thỏa thuận, nhà đầu tư phê duyệt theo quy định; các nhà đầu tư đang triển khai nhập thiết bị để lắp đặt, vận hành.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới việc mua, nhập thiết bị dẫn đến tiến độ triển khai chưa đáp ứng yêu cầu.
Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ mua sắm, lắp đặt thiết bị, để hoàn thành trong quý 2/2022.