Bộ Giao thông "thúc" doanh nghiệp vận tải lắp camera phòng chống COVID-19

Để đảm bảo việc phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải, Bộ GTVT yêu cầu các tỉnh, thành đôn đốc thực hiện việc lắp đặt camera theo đúng quy định.

Báo cáo việc lắp camera trên xe ô tô kinh doanh trước 30/9

Để khai thác, sử dụng dữ liệu camera giám sát phục vụ quản lý vận tải và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành đôn đốc thực hiện việc lắp đặt camera theo chỉ đạo của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ.

"Sở GTVT các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện lắp camera trước ngày 30/9/2021. Báo cáo phải nêu rõ số lượng đơn vị đã lắp, số lượng đơn vị phải lắp và số lượng phương tiện đã lắp, số lượng phương tiện phải lắp", Tổng cục Đường bộ yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Huyện- Tổng cục Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, camera giám sát trên ô tô khách cho thấy rất nhiều hành khách không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách. Thậm chí, có trường hợp lái xe không đeo khẩu trang. Trong khi xe khách là môi trường kín, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao.

Theo ông Huyện, để tiếp tục ứng phó với dịch COVID-19, nhiều quốc gia trên thế giới đã lắp đặt hệ thống camera trên phương tiện giao thông công cộng, xe taxi, địa điểm công cộng và kết nối với hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo).

Tại Việt Nam, AI cảnh báo khẩu trang chỉ mới ở mức tự phát nhỏ lẻ mà chưa được đầu tư bài bản, quy mô lớn. Hệ thống phát hiện tình trạng không đeo khẩu trang, vi phạm giãn cách, đo đếm mật độ hành khách được các nước áp dụng phổ biến từ giữa năm 2020. Để đảm bảo theo các quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ và đảm bảo việc phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành đôn đốc thực hiện việc lắp đặt camera theo đúng quy định.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có văn bản lần 2 gửi Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố liên quan việc triển khai Nghị quyết số 66/2021 của Chính phủ; đồng thời đôn đốc thực hiện quy định lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 10/2020.

Thấy gì sau gần 3 tháng sử dụng công nghệ AI trên các xe chở khách?

Vào tháng 6/2021, Công ty TNHH Phát triển công nghệ Điện tử Bình Anh (BA GPS) đã cung cấp miễn phí dịch vụ cảnh báo không đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông. Dịch vụ này sử dụng AI để phân tích dữ liệu hình ảnh của camera trên phương tiện giao thông.

Các tình huống có đeo nhưng hở mũi, cằm…thì AI sẽ xem đó là không đeo khẩu trang. Mỗi khi phát hiện hành khách hoặc lái phụ xe không đeo khẩu trang, hệ thống tự động gửi thông báo về doanh nghiệp vận tải và điện thoại của lái xe, phụ xe.

Sau 2 tháng áp dụng, đã có hàng trăm doanh nghiệp vận tải với 1.000 đầu xe sử dụng, tỷ lệ người không đeo khẩu trang giảm khoảng 3 lần, từ 23% trước khi áp dụng xuống chỉ còn khoảng 6% - 7%.

Tiếp nối công nghệ trên, BA GPS ra mắt giải pháp di chuyển an toàn. Đây là giải pháp tổng thể nhằm ghi nhận lại hoạt động của hành khách, lái phụ xe có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm Covid-19 như khẩu trang, khoảng cách và mật độ hành khách. Phần mềm quản lý phương tiện của BA GPS sẽ tích hợp 3 chức năng thông báo: “Không đeo khẩu trang”, “Khoảng cách gần” và “Quá số người trên xe”.

Trong ngưỡng an toàn, phần mềm hiển thị biểu tượng màu xanh. Nhưng nếu quá ngưỡng an toàn, hệ thống sẽ tự động gửi thông báo kèm biểu tượng màu đỏ, để các doanh nghiệp vận tải có phương án sắp xếp, điều chỉnh.

Ông Phạm Thái Hòa, giám đốc Công nghệ của BA GPS cho hay, môi trường trên phương tiện công cộng vốn khép kín, yếm khí, rất dễ lây nhiễm khi có ca F0 trên xe, trong khi quá trình kiểm tra thủ công tốn nhiều nguồn lực và kém hiệu quả. Vì thế các nước như Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc...đã áp dụng công nghệ AI để phòng dịch từ giữa năm 2020.

Tới đây, khi nước ta nới dần giãn cách xã hội, nhu cầu đi lại sẽ tăng lên, AI là giải pháp then chốt trong phòng dịch. Việc áp dụng công nghệ này cũng đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng người dân.

"Giải pháp này sẽ hỗ trợ đếm số lượng hành khách có trên xe, tối ưu nhân sự giúp tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi tháng, hành khách yên tâm hơn khi đi xe, tạo cạnh tranh khi phương tiện dần hoạt động trở lại. Và quan trọng hơn cả là tác dụng phòng dịch COVID-19, giảm thiệt hại cho kinh tế - xã hội. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ miễn phí cho ngành vận tải giải pháp dịch vụ này để phòng chống dịch COVID-19", ông Hòa nói./.

Nghị định 100/2019 quy định xử phạt đối với lái xe, doanh nghiệp vi phạm lắp camera như sau:

Đối với lái xe: Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải khách và hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.

Đối với doanh nghiệp: Phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.

Theo vov.vn
back to top