Bỏ điều trị bệnh cho con có vi phạm pháp luật?

Luật nghiêm cấm từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm…

Hỏi: Đọc bài “bỏ dở điều trị bệnh thận mạn tính cho con, trẻ tử vong do về nhà uống thuốc nam”, tôi rất phân vân không biết cách làm như vậy có vi phạm vào quy định của pháp luật không?

Nguyễn Phương Hạnh (Hải Dương)

Tự ý dùng thuốc nam chữa bệnh thận khiến trẻ bị suy thận

Tự ý dùng thuốc nam chữa bệnh thận khiến trẻ bị suy thận

ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc, Khoa Thận và Lọc máu – Bệnh viện Nhi Trung ương trả lời: Trẻ em có quyền được chăm sóc sức khoẻ và khám, chữa bệnh. Theo Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2017, quy định:

Tại Điều1 của Luật xác định “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.

Tại Chương II, Mục I của Luật Trẻ em 2016 gồm có 25 điều, quy định cụ thể các quyền của trẻ em. Trong đó, trẻ em có các quyền cơ bản như: quyền sống; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền vui chơi, giải trí; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; quyền được đảm bảo an sinh xã hội…

Tại Chương VI, mục 2 của Luật Trẻ em 2016 gồm có 7 điều, quy định về trách nhiệm của gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục: bảo đảm cho trẻ em được sống với cha, mẹ; chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự, bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; bảo đảm quyền dân sự của trẻ em…

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em được quy định tại Luật Trẻ em 2016 đó là: Tước đoạt quyền sống của trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm…

Khi trẻ mắc các bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo có thể sẽ trở thành gánh nặng đối với nhiều gia đình về cả chi phí điều trị và thời gian chăm sóc. Thế nhưng, mỗi đứa trẻ sinh ra trên cuộc đời này đều có quyền được sống, được yêu thương, chăm sóc và nhận được những gì tốt đẹp nhất.

Rất nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, có con bệnh nặng, nhưng dù chỉ còn một tia hy vọng, cha mẹ vẫn kiên trì cho con điều trị và đã thành công giành lại sự sống cho con.

Vậy nên, thật sự mong rằng, bằng tất cả tình yêu thương, trách nhiệm của người làm cha mẹ, bằng sự thượng tôn pháp luật về quyền trẻ em, khi trẻ mắc bệnh thận mạn tính nói riêng và các bệnh hiểm nghèo khác nói chung cha mẹ hãy đưa con đi khám và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dừng điều trị gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Đối với những trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ có thể liên hệ phòng Công tác xã hội của bệnh viện hoặc các tổ chức chăm sóc và bảo vệ trẻ em, các cá nhân, đơn vị hảo tâm,… để được hỗ trợ, giúp đỡ

Theo Đời sống
back to top