Bộ Công Thương và "gói giải pháp" mới nhất cho ngành thép

(khoahocdoisong.vn) - Sáng kiến về lập Quỹ Bình ổn giá thép được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại buổi làm việc với các doanh nghiệp thép, Hiệp hội Thép Việt Nam, trong đó có nhiều đề xuất, giải pháp để bình ổn giá thị trường thép. Nhưng thông tin này, sau đó, được rút khỏi khá nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Giải pháp là... "cả gói" 

Được biết, tại buổi làm việc này, sau khi điểm lại các nguyên nhân làm tăng giá thép, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nêu một loạt các giải pháp, từ vĩ mô tới vi mô, từ thực tế tới khoa học, từ sản xuất tới quản lý, ngõ hầu "vãn hồi trật tự" trên thị trường thép. Theo Bộ trưởng, thời gian qua, ngành thép vẫn chưa đáp ứng tiềm năng hiện có, mới chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng, nhưng chưa đáp ứng được trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ.

Bộ trưởng đã đưa ra 7 giải pháp để ngành thép phát triển xứng tầm hơn nữa, trong đó có giải pháp nghiên cứu, cân nhắc việc hình thành quỹ bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép.

Tuy nhiên, đề xuất thành lập quỹ bình ổn giá thép ngay lập tức nhận lại nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên môn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cố kìm giá thép là không khả thi, là tư duy ngược với thể chế về quản lý giá trong cơ chế thị trường.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trong ngành thép Việt Nam, không có đơn vị nào chiếm thế độc quyền. Thị trường thép vốn đã và đang hoạt động cạnh tranh từ nhiều năm nay. Hình thành giá thép là việc của thị trường, của các doanh nghiệp, không thể do Nhà nước can thiệp và điều chỉnh giá của thị trường. Như vậy là không đúng với quy định.

Ngay cả việc lập quỹ bình ổn giá thép là đang làm méo mó thị trường, đi ngược lại quy luật của thị trường và vi phạm các cam kết, không phù hợp với bản chất nguyên nhân làm biến động giá thép trong thời gian gần đây.

“Thép không giống như xăng. Xăng là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan nhiều nhất đến toàn bộ nền sản xuất, an ninh năng lượng quốc gia, an sinh xã hội… Trong khi đó, phạm vi ảnh hưởng của hàng hóa sắt thép hẹp hơn rất nhiều và đã có chính sách riêng cho mặt hàng này rồi. Do đó, việc thành lập quỹ bình ổn giá thép là hoàn toàn vô lý và sai luật” - Luật sư Đức nhấn mạnh.

Chính Bộ Công Thương cách đây không lâu (đầu tháng 5/2021) cũng đã khẳng định, giá thép Việt Nam tăng do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Cũng theo Bộ Công Thương, thép Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn nguyên liệu từ nguồn nhập khẩu có mức giá đang tăng cao trên thị trường toàn cầu, không phải tăng giá do các đầu cơ hay các doanh nghiệp thép “bắt tay nhau” tự ý nâng giá.

Theo Bộ Công Thương, năm 2021, dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng trên 66%. Theo đó, nhu cầu sản phẩm phôi thép cũng sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2020. Nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2 - 3%, dự tính khoảng 27 triệu tấn sản phẩm thép các loại.

Hơn nữa, với tác động của dịch bệnh, thời gian giao hàng bị gián đoạn, kéo dài cũng khiến giá thép tăng lên.

Trước khi chỉ đường, hãy cập nhật thông tin 

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thép cho biết, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà máy chưa thể hoạt động trở lại, nhưng nhiều quốc gia khác cũng như Việt Nam đang tích cực tăng đầu tư công, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy nhu cầu thép cùng với giá thép lên cao.

Vị này cũng băn khoăn, nếu lập Quỹ bình ổn thì nguồn lực sẽ được huy động từ đâu? Liệu Nhà nước có chi ngân sách không?  Hay doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng phải tự bỏ tiền để lập quỹ? Nếu doanh nghiệp phải tự bỏ tiền ra thì thu như thế nào để không ảnh hưởng đến giá vốn? Dù thế nào, đối tượng chịu thiệt cuối cùng vẫn là người tiêu dùng.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp thép mong muốn Nhà nước có những giải pháp hỗ trợ sản xuất trong nước, thay vì tìm cách kìm hãm đà tăng của thị trường.  

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, các cơ quan Nhà nước ở tầm vĩ mô cần phải điều hành nền kinh tế bằng các chính sách hiệu quả, các giải pháp quy hoạch, cấp phép và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, Nhà nước cần quan tâm hơn đến các giải pháp hạn chế, giảm thải ô nhiễm môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất hơn là kiểm soát giá thị trường, hay cấm xuất khẩu. Chỉ với những mặt hàng thật sự liên quan đến an ninh quốc gia, đặc biệt quan trọng thì mới tính đến quỹ bình ổn giá.

Thực tế, sản lượng thép Việt Nam hiện nay đang rất dồi dào, không hề thiếu, do đó vẫn cần khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu nếu đảm bảo đủ nguồn cung trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần có nhiều hành động, giải pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngành thép xuất khẩu của Việt Nam tránh được các vụ kiện phòng vệ thương mại đang ngày càng gia tăng.

Việt Nam cho đến nay đã tham gia đàm phán và ký kết 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), việc lập Quỹ Bình ổn giá hay hạn chế xuất khẩu sẽ vi phạm các cam kết quốc tế chưa kể trái Luật Ngân sách và thể chế định giá trong nền kinh tế thị trường.

Thông tin bổ sung, chỉ hai ngày sau cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Công Thương với các doanh nghiệp thép, Tập đoàn Hòa Phát - doanh nghiệp chiếm thị phần thép lớn nhất Việt Nam hiện nay - đã công bố thông tin mua lại mỏ quặng sắt trữ lượng khai thác tới 320 triệu tấn của Úc. Hòa Phát cũng đang toan tính việc mua tiếp một số mỏ than cốc phục vụ cho hoạt động sản xuất thép của tập đoàn.

Tất nhiên, việc đàm phán mua mỏ quặng sắt của Úc phải được Bộ trưởng Công Thương biết trước công chúng sớm hơn nhiều. Nhưng đáng tiếc thông tin ấy không là một dẫn chứng trong bài phát biểu của Bộ trưởng, tại cuộc làm việc với doanh nghiệp thép, cả ở khía cạnh tích cực, hay tiêu cực với thị trường thép. 

Vì thực tế, Hòa Phát đã không chọn mua các mỏ quặng sắt vốn đang được doanh nghiệp nhà nước, hay trực tiếp nhà nước quản lý, đang có kết quả hoạt động rất kém. Nếu mua thành công các mỏ quặng trong nước, đương nhiên sẽ giúp giá thành sản xuất của Hòa Phát bình ổn hơn là nhập quặng từ cự ly hàng nghìn km về Việt Nam. 

Nói cách khác, việc Hòa Phát mua mỏ quặng nước ngoài vừa cho thấy sự thiếu hiệu quả trong cơ chế phát triển ngành thép của Việt Nam, vừa dự báo giá thép trong nước và giá thép xuất khẩu của Việt Nam, do được neo vào những doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, có khả năng sẽ bình ổn, nhưng ở mức cao.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top