Bộ Công Thương lo ngại việc giá các mặt hàng này tăng mạnh sẽ gây ra những biến động xấu đối với điều hành giá gây lạnh phát và hạn chế hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Do đó, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.
Trong đó nhấn mạnh tới mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (Premium) và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường.
Việc tính toán rà soát lại nhằm cho phù hợp nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu.
Theo tính toán, hiện 1 lít xăng đang "cõng" khoảng 10.000 đồng tiền thuế các loại.
Trong đó, thuế bảo vệ môi trường được quy định đối với mặt hàng xăng là 4.000 đồng/lít, dầu diesel, dầu mazut và mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít. Đối với các mặt hàng xăng sinh học như E5, E10 chỉ tính thuế bảo vệ môi trường đối với lượng xăng gốc hóa thạch kết cầu trong xăng sinh học. Mức thuế này đều được quy định "cứng" trong công thức tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu.
Bộ Tài chính cho biết, tỷ trọng thuế đối với xăng hiện chiếm khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%. Ngoài ra trong giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức chiếm khoảng 5-8% mức giá cơ sở.
Trước thực trạng giá xăng tăng cao, Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến đề xuất về việc sửa đổi 6 luật thuế, trong đó có thuế bảo vệ môi trường.