Về tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TPHCM trong 7 ngày qua, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn gặp khó khăn trong cung ứng, phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng hoặc gặp đứt gãy, gián đoạn về nguồn cung.
Sở Công thương TPHCM đã yêu cầu các cơ sở gặp khó khăn phải có văn ban báo cáo. Trường hợp không báo cáo nếu bị đoàn thanh tra, kiểm tra phát hiện, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.
Sở Công Thương đã có văn bản gửi 15 đầu mối kinh doanh xuất - nhập khẩu, yêu cầu báo cáo tình hình nhập khẩu xăng dầu trong các tháng tới đây.
Sở Công thương TPHCM cũng đang phối hợp với Cục Quản lý Thị trường TPHCM để giám sát, kiểm tra, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Nhìn chung, qua kiểm tra nhận thấy, hầu hết cửa hàng đều có các giấy tờ yêu cầu cung ứng xăng dầu theo quy định.
Bất cứ cửa hàng xăng dầu nào trên địa bàn có dấu hiệu kinh doanh không đúng quy định, sẽ bị xử lý nghiêm, kịp thời.
TPHCM cũng sẽ có kiến nghị với Bộ Công Thương, Chính phủ xem xét điều chỉnh việc tăng giá xăng dầu phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngày 11/2, giá xăng trong nước vừa được điều chỉnh tăng mạnh sau hơn 20 ngày không điều chỉnh.
Trước đó, nhiều đoàn kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở các tỉnh khác đã phát hiện một cửa hàng xăng dầu ở Thái Nguyên đã có hành vi ngừng bán hàng nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Hoặc tại Vĩnh Long, cơ quan chức năng phát hiện một cửa hàng kinh doanh xăng dầu còn tồn khoảng 7.000 lít xăng RON-95 trong bể chứa nhưng không bán.