Bộ Công an bác tin lãnh đạo doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp ngăn chặn

Bộ Công an khẳng định, tin đồn về người đứng đầu doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là thất thiệt.

Ngày 11/7, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết những ngày gần đây, một số tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin về cá nhân đứng đầu doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, những thông tin do một số tài khoản mạng xã hội nêu trên là tin đồn thất thiệt, không chính xác. Hiện nay các cục nghiệp vụ của Bộ Công an đang xác minh, làm rõ người có hành vi tung tin đồn thất thiệt để xử lý nghiêm theo quy định.

Ngoài ra, Bộ Công an đề nghị mọi người không tin, nghe theo, không lan truyền các thông tin thất thiệt mà hãy tiếp nhận thông tin chính thống từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.

trung-tuong-xo.png
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an.

Thời gian qua, một số tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin về việc ông P.N.V. (chủ tịch một tập đoàn, một trong những tỷ phú của Việt Nam) và một số lãnh đạo doanh nghiệp khác bị cấm xuất cảnh.

Trước đó, cơ quan chức năng đã khởi tố và xử lý những cá nhân, doanh nghiệp có ảnh hưởng trên thị trường tài chính, chứng khoán như lãnh đạo của tập đoàn Tân Hoàng Minh, tập đoàn FLC.

Tuy nhiên, lợi dụng việc cơ quan điều tra khởi tố, điều tra các vụ án trên, một số cá nhân sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, được cho là vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp khác (chủ yếu trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản), thu hút lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội; xuất hiện những bình luận, chia sẻ cho rằng thời gian tới cơ quan chức năng sẽ khởi tố, xử lý những cá nhân, doanh nghiệp này, tác động xấu tới dư luận xã hội, tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán của Việt Nam, gây thiệt hại về uy tín, kinh tế của cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân hay cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân... sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Nếu việc tung tin sai sự thật nhằm mục đích thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người vi phạm bị truy cứu về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khung hình phạt tối đa là 200 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 3 năm.

Theo Đời sống
Quên khám nghĩa vụ quân sự có bị xử phạt?

Quên khám nghĩa vụ quân sự có bị xử phạt?

Cá nhân có các hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì sẽ chịu các mức xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6/6/2022 của Chính phủ.
back to top