Bệnh nhân Tạ Công Hậu tập đi.
Tạ Công Hậu rất vui vẻ và hào hứng, chia sẻ: “Tối hôm qua, em hơi khó ngủ, vì hồi hộp và nôn nóng nghĩ đến ngày mai được lắp chân”. Khi tận mắt thấy chân giả sẽ lắp mình, Hậu rất phấn khích, muốn được ướm thử ngay.
Khi tận mắt thấy chân giả sẽ lắp mình, Tạ Công Hậu rất phấn khích, muốn được ướm thử ngay. |
Đại diện phía công ty cung cấp chi giả cho biết: “Bệnh nhân có thể đi lại được khá nhanh. Tuy nhiên do chân còn lại bị tổn thương da và ngứa, đứng lên bị máu dồn xuống gây đau. Bên cạnh đó, vì bị mất 2 tay nên việc giữ thăng bằng để tập đi sẽ lâu hơn bình thường… để bệnh nhân đi lại tốt phải phụ thuộc vào sức khỏe và sự nỗ lực của bệnh nhân trong quá trình luyện tập, vật lý trị liệu để tự làm chủ các động tác của mình”.
Bệnh nhân Tạ Công Hậu đã “đứng lên” bằng tình thương và nghị lực. |
TS.BSCKII Phan Minh Hoàng, Phó Giám đốc Điều hành Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị Bệnh Nghề nghiệp TPHCM cho biết: "Từ ngày nhập viện, tình hình sức khỏe bệnh nhân khá tốt, bệnh viện đã hỗ trợ toàn bộ viện phí, kèm theo các suất ăn cho bệnh nhân và người nhà (6 suất ăn/ngày). Trong thời gian nằm viện, bệnh nhân được phối hợp điều trị giữa các y, bác sĩ và kỹ thuật viên tập luyện vật lý trị liệu, theo dõi tình hình phục hồi của mỏm cụt và các cơ".
Theo TS.BSCKII Phan Minh Hoàng, lộ trình điều trị cho bệnh nhân Hậu có thể kéo dài khoảng từ 4 - 6 tháng, từ nay đến trước tết bệnh nhân phải tự đứng lên và đi lại được. Trong quá trình lắp chân giả sẽ có nhiều vấn đề phát sinh như: Chân giả tương thích hay không, chân có cần phải nới rộng hay thu vào cho vừa, điều chỉnh cho phù hợp với độ lọt khung của chi để bệnh nhân đi lại thoải mái.
TS.BSCKII Phan Minh Hoàng, Phó Giám đốc Điều hành Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị Bệnh Nghề nghiệp TPHCM cho biết: "Bệnh nhân hiện đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tốt, việc gắn hai tay giả vẫn còn cần sự đồng hành của nhiều tấm lòng hảo tâm". |
Cùng với đó, bệnh nhân phải tập phục hồi dần cho 2 tay, ưu tiên tập cho tay còn khuỷ để sớm giúp bệnh nhân có sức mạnh cơ, gân và khớp, chuẩn bị gắn tay giả. Sau khi tay được gắn, bệnh nhân có thể chủ động tự phục vụ bản thân với những động tác cơ bản như: cầm nắm, mặc áo, cài nút áo, chải đầu, cầm muỗng ăn cơm…
Nhà báo Bùi Hương, Trưởng CQTT Báo KH&ĐS tại TPHCM chia sẻ: "Trong suốt thời gian hơn 1 tháng qua được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Ban Giám đốc và tập thể y bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị Bệnh Nghề nghiệp TPHCM và các mạnh thường quân cùng gia đình đã tạo cho bệnh nhân Tạ Công Hậu vượt qua những tâm lý khủng hoảng do tai nạn lao động, phải cắt bỏ 3 chi (hai cánh tay và một chân), lạc quan và tin tưởng vào cuộc sống tương lai. Bệnh nhân đã phần nào lạc quan hơn khi biết mình có thể... tự đứng, tự đi như những người bình thường".
Báo KH&ĐS và Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị Bệnh Nghề nghiệp TPHCM cũng tiếp tục kêu gọi các tấm lòng hảo tâm để bệnh nhân Tạ Công Hậu sớm quay trở lại cuộc sống đời thường.
Rất mong nhận được hỗ trợ, giúp đỡ từ các nhà tài trợ cùng chung tay giúp cho anh Tạ Công Hậu. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Báo KH&ĐS số 70 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc Cơ quan Thường trú Báo KH&ĐS tại TPHCM, số 12 Võ Văn Kiệt (lầu 3), phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TPHCM. Tài khoản số: 116.00000.1739 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – CN Hà Nội. Nội dung ghi rõ: Hỗ trợ bệnh nhân Tạ Công Hậu.
Nhà báo Bùi Hương, Trưởng Cơ quan Thường trú Báo KH&ĐS tại TPHCM gửi lời tri ân đến những nhà tài trợ đã chuyển tiền hỗ trợ chi phí để gắn chân giả, tay giả cho bệnh nhân Tạ Công Hậu đợt 2: Anh Trương Văn Luyện (TP Vũng Tàu): 1.000.000 đồng; Bé Bùi Trần Minh Tuệ (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu): 2.000.000 đồng; Cô Trần Thị Luyện (Quận 10, TPHCM): 2.000.000 đồng; Chị Huỳnh Ngọc Tuyết Mai (Quận 7, TPHCM): 2.000.000 đồng; BS Nguyễn Năng Viện (Quận Tân Bình, TPHCM): 2.000.000 đồng.