Tạ Công Hậu (sinh năm 1987, quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ) cao 1m63 nặng khoảng 65kg, luôn tay luôn chân hay làm, vui vẻ giờ nằm một chỗ trong căn phòng thuê tạm ở TP Vũng Tàu với một chân phải tạm gọi là lành lặn sau tai nạn phỏng điện.
Chàng thanh niên Tạ Công Hậu, cột trụ của gia đình nhỏ vừa sụp đổ. |
Ngày trước, khi còn lành lặn và chưa bị dịch bệnh Covid-19, trung bình một tháng, thu nhập của Hậu được 10 triệu đồng, cộng thêm thu nhập của Phạm Thị Thương - vợ Hậu là 5 triệu đồng, đủ cho cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người. Thi thoảng hai vợ chồng lại góp nhặt gửi về hỗ trợ cha mẹ hai bên ở Phú Thọ, đều là những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, gia cảnh của gia đình Hậu ở quê lại càng lâm vào khốn cùng khi cách đây 2 năm, em trai Hậu bị tai nạn nổ bình gas, mất 3 ngón tay trên bàn tay trái, hạn chế khả năng lao động.
Giờ đây, anh bất lực không thể ôm và dỗ mỗi khi con gái khóc. |
“Bữa đó, bạn em bảo lên lắp bảng quảng cáo cho công trình. Em vác cây sắt, không để ý đường dây điện phía sau. Thế là em chỉ nghe nổ một tiếng rồi cả người co quắt, hôn mê bất tỉnh. Em tưởng chết rồi, nhưng nhớ đến người vợ trẻ và nhất là con gái mới 2 tuổi, còn nhỏ quá, nên em bừng tỉnh dậy. Giờ con gái khóc, bố cũng khóc vì không thể ôm con vào lòng, dỗ dành như những ngày xưa. Vệ sinh mọi thứ đều dựa vào vợ và em trai mới từ quê vào”, Hậu chia sẻ.
Bà Vũ Thị Loan, mẹ của Hậu, đã gửi đơn đến Báo KH&ĐS nhờ cộng đồng hỗ trợ. |
Ngày 11/10, đại diện Báo KH&ĐS đã đến thăm phòng trọ của vợ chồng anh Tạ Công Hậu tại phường 10, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và trao chút quà nhỏ để anh có lộ phí lên TPHCM tiếp tục điều trị bệnh. Nhà báo Bùi Hương, Trưởng Cơ quan Thường trú Báo KH&ĐS tại TPHCM chia sẻ: “Việc chung tay cùng cộng đồng trong các vấn đề của đời sống xã hội nói chung và việc hỗ trợ, giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo như bệnh nhân Tạ Công Hậu nói riêng là việc toà soạn thường làm. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tích cực cũng là nhờ vào sự tin tưởng, yêu thương của bạn đọc để báo ngày càng phát triển. Chúng tôi, cũng rất mong tiếp tục nhận được sự chung tay và giúp đỡ của các mạnh thường quân giúp cho anh Tạ Công Hậu có được đôi tay giả, chân giả để sớm quay lại với cuộc sống…”.
Thương, vợ của Hậu, nấc nghẹn: “Chồng em bị bỏng điện 90%, phải cắt hết 3 chi. Bản thân em sức khỏe yếu, vừa phải chăm sóc con nhỏ vừa chăm sóc chồng, nên đi làm ở công ty không đủ ngày công, thu nhập bấp bênh. Tiền kiếm được chẳng thấm vào đâu khi chồng phải tái khám liên tục suốt 4 tháng qua vì vẫn còn phải điều trị thương tích.
Đại diện Báo KH&ĐS đã đến thăm và trao quà cho vợ chồng anh Hậu. |
Giờ đây Hậu chỉ mong có được một bộ chân tay giả để có thể lần nữa đứng lên, tự lo được các sinh hoạt cơ bản nhất, được lần nữa ôm con gái và có thể đi bán tờ vé số để phụ vợ.
Phóng viên Báo KH&ĐS đã liên hệ và Ban Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị Bệnh Nghề nghiệp TPHCM đã đồng lòng chung tay hỗ trợ người bệnh.
Các bác sĩ của Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị bệnh Nghề nghiệp TPHCM tiếp nhận hỗ trợ bệnh nhân Tạ Công Hậu. |
“Đây là một ca bệnh cần có một kế hoạch điều trị, tập vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu… dài hạn, có thể kéo dài khoảng 6 tháng đến 1 năm, phối hợp giữa bệnh viện và nghị lực của bệnh nhân. Bên cạnh đó, do các mỏm cụt phải được chăm sóc, nên bệnh nhân có thể phải trải qua các đợt điều trị, thậm chí là phẫu thuật tạo hình để có thể tiếp nhận các chi giả, sau đó là tập vật lý để làm quen với các chi mới…”, TS.BSCKII Phạm Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị bệnh Nghề nghiệp TPHCM cho biết.
Các bác sĩ đang kiểm tra các mỏm cụt để đánh giá tình trạng của bệnh nhân. |
Các bác sĩ của Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị Bệnh Nghề nghiệp TPHCM đều hy vọng sau 6 tháng bệnh nhân sẽ đi lại được và song song đó là tập và lắp tay trái để giúp bệnh nhân quay lại cuộc sống bình thường, tự chăm sóc bản thân, tự tin tái hòa nhập cộng đồng. BSCKII Võ Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị Bệnh Nghề nghiệp TPHCM cũng khẳng định, bệnh viện sẽ hỗ trợ tối đa viện phí trong quá trình điều trị. Nếu được hỗ trợ và lắp chi giả cùng với sự bền bỉ của bệnh nhân cùng gia đình, bệnh nhân sẽ hồi phục đến 70 - 80%.
Tuy nhiên, hành trình quay lại cuộc sống của Tạ Công Hậu ước tính cần khoảng hơn 250 triệu đồng. Gia đình nhỏ của Tạ Công Hậu cần lắm sự sẻ chia, tiếp sức từ các mạnh thường quân, tấm lòng hảo tâm trong xã hội.
Ngày 19/10/2020, TS.BS.CKII Phan Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị Bệnh Nghề nghiệp, cho biết, trước mắt bệnh viện đã hỗ trợ suất ăn miễn phí cho bệnh nhân Tạ Công Hậu và người nhà bệnh nhân ngay từ hôm nay. Liệu trình điều trị đã bắt đầu, đầu tiên sẽ ưu tiên giúp bệnh nhân có thể đi lại được. “Chưa đứng được, bệnh nhân chưa thể làm được gì. Sau khi đứng lên, tay trái còn khuỷu sẽ tập sức cơ để có thể bám vịn được… Trong 4 tháng tới, bệnh nhân sẽ tập trung cho những bước đi đầu tiên,” TS.BS.CKII Phan Minh Hoàng cho biết thêm.
TS.BS.CKII Phan Minh Hoàng cùng nhà báo Bùi Hương, Trưởng Cơ quan Đại diện báo Khoa học & Đời sống, đến thăm khám và động viên bệnh nhân Tạ Công Hậu.
Rất mong nhận được hỗ trợ, giúp đỡ từ các Mạnh thường quân cùng chung tay giúp cho anh Tạ Công Hậu. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Báo KH&ĐS số 465B Hoàng Hoa Thám, Quận Ba Đình, Hà Nội hoặc Cơ quan Thường trú Báo KH&ĐS tại TPHCM, số 12 Võ Văn Kiệt (lầu 3), phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TPHCM. Tài khoản số: 116.00000.1739 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – CN Hà Nội. Nội dung ghi rõ: Hỗ trợ bệnh nhân Tạ Công Hậu.