Bị đình chỉ sản xuất mỹ phẩm, Công ty Elly Cuties nói gì?

Ngoài bị đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm, Công ty TNHH Elly Cuties bị phạt 150 triệu đồng, buộc thu hồi, tiêu hủy toàn bộ số mỹ phẩm chưa được cấp phép.

Bị xử phạt 150 triệu đồng

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP HCM ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Elly Cuties (số 183/37 Nguyễn Văn Đậu, phường 11, quận Bình Thạnh) vì có vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.

Công ty đã sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; đưa mỹ phẩm lưu thông khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm; theo đó, bị phạt 150 triệu đồng, đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm cho đến khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất theo quy định của pháp luật nhưng không quá 24 tháng.

Ngoài ra, Công ty TNHH Elly Cuties còn chịu hình thức phạt bổ sung, buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm do vi phạm.

Hình ảnh quảng cáo mỹ phẩm Elly's Cosmetic trên trang "Elly's Shop". Ảnh chụp màn hình.

Hình ảnh quảng cáo mỹ phẩm Elly's Cosmetic trên trang "Elly's Shop". Ảnh chụp màn hình.

Theo tìm hiểu của PV Khoa học và Đời sống, Công ty TNHH Elly Cuties thành lập ngày 2/3/2023, người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Kim Hồng và Nguyễn Thị Trúc Loan. Trong đó, bà Hồng được biết tới với nghệ danh Elly Trần.

Hệ sản phẩm họ Elly

Mỹ phẩm của Công ty Elly Cuties có nhãn hiệu Elly's Cosmetic với nhiều sản phẩm khác nhau như: Kem Face, Kem Body, Kem Nám, Kem Mụn, sữa tắm...

Khảo sát ngày 19/12, Fanpage Facebook có tên “Elly's Shop” với 215.000 người theo dõi, đăng nhiều bài viết kèm hình ảnh quảng cáo về các sản phẩm mỹ phẩm Elly's Cosmetic, trong đó có cả hình ảnh của Elly Trần.

Tương tự, mạng xã hội TikTok với tài khoản tên "ellytranofficial" cũng có nhiều hình ảnh, video quảng cáo mỹ phẩm, trong đó có video Elly Trần ngồi "chốt đơn" bán các sản phẩm mỹ phẩm Elly's Cosmetic.

Các sản phẩm mỹ phẩm Elly's Cosmetic trên TikTok. Ảnh chụp màn hình.

Các sản phẩm mỹ phẩm Elly's Cosmetic trên TikTok. Ảnh chụp màn hình.

Thừa nhận sơ xuất, khắc phục hậu quả

Trong thông cáo phát đi ngày 13/12, Công ty TNHH Elly Cuties cho rằng, tháng 6/2023, do sơ xuất trong việc bổ sung hồ sơ đăng ký cấp phiếu công bố mỹ phẩm, hai sản phẩm Cao Thảo Mộc và Kem Nam Elly bị Sở Y tế TP HCM coi là “đưa vào lưu thông khi chưa được cấp phiếu công bố sản phẩm”. Sau đó, công ty đã được cấp phiếu công bố mỹ phẩm đối với hai sản phẩm này vào tháng 8/2023.

Công ty TNHH Elly Cuties cho biết, không trực tiếp sản xuất mỹ phẩm. Mỹ phẩm của họ được sản xuất bởi một đối tác đã được Sở Y tế TP HCM cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm (số 210/HCM-ĐKSXMP từ ngày 30/8/2022). Thông tin này đã được cung cấp cho Sở Y tế TP HCM.

“Những vi phạm hành chính nêu trên đã được công ty khắc phục và tuân thủ đầy đủ từ 4 tháng trước”, thông cáo của Công ty TNHH Elly Cuties nêu.

Cũng theo đơn vị này, cả 2 thiếu sót nêu trên liên quan thủ tục hành chính, giấy tờ và đã được bổ sung, điều chỉnh ngay sau khi được Sở Y tế TP HCM thông báo.

Về mặt pháp lý, căn cứ quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Y tế TP HCM, luật sư Nguyễn Văn Lập (Đoàn Luật sư TP HCM) dẫn quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 70 Nghị định 117/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm b, khoản 20, Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định về việc vi phạm quy định về sản xuất mỹ phẩm như sau: Phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

Hình thức xử phạt bổ sung (quy định tại khoản 3 Điều 70 Nghị định 117/2020/NĐ-CP): Đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm cho đến khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật nhưng không quá 24 tháng; biện pháp khắc phục hậu quả (quy định tại khoản 4 Điều 70 Nghị định 117/2020/NĐ-CP): Buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm.

“Như vậy, đối với cá nhân tự ý sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, có thể bị phạt từ 40 triệu đến 50 triệu đồng. Đồng thời, buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm đối với hành vi quy định. Theo quy định tại khoản 5, Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền được quy định tại Điều 70 là đối với cá nhân. Đối với cùng hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, tức là từ 80 triệu đến 100 triệu đồng ”, luật sư Lập nói.

Hiểm họa khôn lường từ mỹ phẩm không an toàn

TS.BS Lê Ngọc Diệp - Giảng viên Khoa Da liễu, ĐH Y Dược TP HCM - cho hay, theo thống kê, khoảng 5 triệu đến 10 triệu thành phần đang được sử dụng trong mỹ phẩm.

Điều đáng nói, người tiêu dùng không biết một số chất dùng phổ biến trong mỹ phẩm như Sodium lauryl sulfate được xem là nguy hiểm nhất trong các chất hữu cơ, dùng sản xuất mỹ phẩm; Polyethylene glycol sử dụng trong kem dưỡng da, chống khô da gây ảnh hưởng bất lợi cho hệ miễn dịch của cơ thể; Propylene glycol có trong son môi, thuốc nhuộm tóc, kem cạo râu, khử mùi, kem đánh răng ảnh hưởng xấu lên gan, não, thận…

Ngoài ra, một số hóa chất phổ biến gây hoặc nghi ngờ gây ung thư như: Phthalates (có trong sơn móng tay, son môi và nước hoa) có thể ảnh hưởng gan, thận và phổi, tim, huyết áp, nhất là sự phát triển bào thai và trẻ sơ sinh; Parabens là hóa chất thường được sử dụng như chất bảo quản trong nhiều mỹ phẩm, trong đó có sản phẩm khử mùi. Chất này được xác định có nhiều trong các mô của phụ nữ bị ung thư vú…Không chỉ thế, việc dùng sản phẩm có chứa corticoid làm trắng, trị nám hay trị mụn trứng cá cũng rất phổ biến. Lúc đầu dùng thấy da trắng, mịn hơn nên nhiều người nghĩ rằng hiệu quả. Tuy nhiên, sau một thời gian tiếp tục sử dụng, có rất nhiều tác hại như gây giãn mạch, ngứa, đỏ da, trứng cá mụn mủ bộc phát, da mỏng đi, teo da, nám nặng hơn…

Số đông người tiêu dùng hiện nay chưa hiểu về an toàn mỹ phẩm, vì ham rẻ và nhầm tưởng những sản phẩm này có hiệu quả thật. Nhiều người đã sử dụng sản phẩm truyền tay, quảng cáo truyền miệng, nên phải gánh hậu quả.

Theo BS CKII Lê Thị Thái Hà, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đồng Nai, bệnh viện từng tiếp nhận các nạn nhân bị tai biến da do sử dụng kem trộn, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Nhiều trường hợp phải điều trị lâu dài vì dị ứng, nổi mụn, sưng tấy…

Người tiêu dùng cần thận trọng, sử dụng mỹ phẩm phải có sự tư vấn, hướng dẫn về chủng loại, thành phần mỹ phẩm. Chỉ mua mỹ phẩm khi biết rõ nguồn gốc, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm chính hãng, nơi bán có uy tín, tránh mua sản phẩm trôi nổi.

“Trường hợp sử dụng phải mỹ phẩm giả, kém chất lượng và thấy có dấu hiệu về da liễu như ngứa, mẩn đỏ, nổi ban..., bệnh nhân nên ngừng sử dụng, không nên tự điều trị vì có thể dẫn đến nhiễm trùng. Thay vào đó, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, hỗ trợ” - BS Hà khuyến cáo.

Theo Đời sống
back to top