Béo phì trẻ em và nguy cơ đái tháo đường

(khoahocdoisong.vn) - Tại Việt Nam, có tới 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường và mỗi ngày sẽ có ít nhất 80 người tử vong vì các biến chứng liên quan.

Kháng insulin và ngộ độc mỡ

GS.TS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết, đái tháo đường Việt Nam cho biết, đái tháo đường túyp 2 đang là gánh nặng cho toàn xã hội. Đây là một bệnh lý mạn tính và diễn tiến suốt cuộc đời. Bệnh nhân đái tháo đường ở nước ta đang ngày càng trẻ hóa. Trước đây bệnh nhân trên 40 tuổi mới mắc đái tháo đường tuýp 2 nhưng hiện nay có thể gặp ở trẻ 9-14 tuổi mà béo phì là một trong những nguyên nhân gây bệnh.

Béo phì tạo cơ chế kháng insulin và ngộ độc mỡ. Insulin là hormon do tuyến tụy sản xuất, nó giúp các tế bào hấp thụ glucose (đường) trong máu để chuyển hóa thành năng lượng.

Cơ thể sẽ tiêu hóa thức ăn có chứa carbohydrate và chuyển hóa thành glucose vào trong máu. Insulin, được sản xuất trong khi chúng ta ăn, giúp cơ thể duy trì mức glucose trong máu thích hợp bằng cách cho phép glucose hấp thụ từ máu vào trong các tế bào.

Quá trình này làm giảm lượng đường trong máu và các tế bào sử dụng glucose để tạo thành năng lượng. ở những người béo phì, tuyến tụy sản xuất insulin, nhưng các tế bào không tận dụng hết chức năng của insulin. Khi insulin không hoạt động đúng cách, các tế bào cũng không hấp thụ glucose một cách thích hợp, dẫn đến tích tụ đường trong máu.

Nếu lượng đường trong máu cao hơn bình thường có nghĩa bệnh nhân đã mắc tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường. Người thừa cân béo phì kèm theo có lối sống ít vận động có nguy cơ kháng insulin rất cao.

Tổn hại mạch máu, tăng nguy cơ bệnh tim

Người bị kháng insulin thường không có triệu chứng rõ ràng, người bệnh mắc bệnh nhiều năm mà không hề hay biết nếu không kiểm tra đường huyết. Kháng insulin gây tổn hại tiềm ẩn đến mạch máu, có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.

Trẻ em béo phì, lười vận động rất dễ kháng insulin mà kháng insulin có nguy cơ cao mắc đái tháo đường. Kháng insulin không có triệu chứng, chỉ khi nào người bệnh thấy khát nước, đái tháo, ăn uống nhiều hơn bình thường, mệt mỏi…có thể người bệnh đã mắc đái tháo đường tuýp 2.

TS. Phan Hướng Dương, PGĐ BV Nội tiết TƯ cho biết, thanh thiếu niên và nhân viên văn phòng mắc đái tháo đường tuýp 2 đang gia tăng do xu hướng xã hội đô thị hóa. Nhân viên văn phòng làm việc cả ngày, không có thời gian vận động. Thanh thiếu niên ăn nhiều thức ăn nhanh, các cháu đi học cả ngày, tối về lại đi học thêm nên thức ăn nhanh được sử dụng phổ biến lại thêm thời gian vận động không có, gây nguy cơ mắc đái tháo đường trong tương lai.

BV Nội tiết TƯ đã khám cho 1 em bé ở Khâm Thiên, HN phát hiện mắc đái tháo đường tuýp 2 khi mới 11 tuổi, ngoài ra là nhiều em mắc bệnh ở lứa tuổi 13-14. Điều trị cho các bệnh nhân đái tháo đường nhỏ tuổi vô cùng khó khăn. Thông thường bố mẹ phải giảm bớt công việc, dẫn con đi tập thể dục, kiểm soát vấn đề ăn uống của con.

Quản lý đái tháo đường phải xuất phát từ từng cá nhân, gia đình, cộng đồng, đặc biệt quản lý đái tháo đường ở tuyến dưới rất quan trọng. Theo các chuyên gia, hiện ta đang thiếu sự đào tạo bài bản về đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa.

Từ 2019-2020, hội Nội tiết, đái tháo đường Việt Nam sẽ hỗ trợ cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 mới bắt đầu sử dụng insulin Glargine tại các bệnh viện trên toàn quốc. Bệnh nhân sẽ được các điều dưỡng viên tại bệnh viện tư vấn về cách sử dụng bút tiêm insulin, các lưu ý về chế độ ăn và luyện tập, ý nghĩa của trị số đường huyết đói và cách đo đường huyết…

Bệnh nhân cũng sẽ được trang bị các kiến thức về bệnh đái tháo đường và các công cụ để dễ dàng quản lý bệnh đái tháo đường, đảm bảo tuân thủ thuốc trong quá trình điều trị, nâng cao kết quả điều trị.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top