Ngay trong buổi khai trương, Bệnh viện E hội chẩn trực tuyến với 3 điểm cầu: Phẫu thuật mổ tim tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình; Phẫu thuật cột sống tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; Nội soi tiêu hóa tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu...
Tại đầu cầu bệnh viện tuyến dưới, các bác sĩ trình bày hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm, chiếu chụp, giải phẫu bệnh, chẩn đoán và phương hướng điều trị cho bệnh nhân… Tại đầu cầu Bệnh viện E, các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ không chỉ tiến hành hội chẩn, thảo luận cân nhắc kỹ để đưa ra chẩn đoán và phương án phẫu thuật, điều trị tốt nhất cho người bệnh... mà còn hướng dẫn các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới cả về thăm khám lâm sàng, di chuyển bệnh nhân... Chẳng hạn, với bệnh nhân chấn thương cột sống thì không để bệnh nhân ngồi khám, đặc biệt khi mới tiếp nhận bệnh nhân phải nhìn nhận và hướng dẫn cả quá trình sơ cứu, vận chuyển để tránh các biến chứng thần kinh gây liệt... Với bệnh nhân tim mạch thay van cần cân nhắc yếu tố vùng miền và tuổi để lựa chọn van cho phù hợp...
GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho hay, không phải bây giờ các bác sĩ Bệnh viện E mới tham gia hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh từ xa này mà đã từ nhiều năm nay, nhằm hỗ trợ các ca bệnh khó ở tuyến dưới, các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi của Bệnh viện E đã thực hiện tư vấn khám, chữa bệnh, hội chẩn từ xa với các bác sĩ tuyến dưới bằng nhiều hình thức như telemedicine, qua điện thoại, zalo, viber… để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu và kịp thời nhất cho người bệnh.
Thông qua quan hệ hợp tác quốc tế với các bệnh viện của Nhật Bản, Úc, Pháp, Mỹ… Bệnh viện E còn tổ chức giao lưu trực tuyến, tham gia hội chẩn các ca bệnh giữa các bệnh viện quốc tế. Từ đó đã giúp cứu sống được nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý nguy hiểm như tim mạch, sọ não, thần kinh, sản khoa… của Bệnh viện E và các bệnh viện vệ tinh.
Khai trương dự án khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện E. |
Bệnh viện E thực hiện kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với gần 80 cơ sở y tế trong đó có 21 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, còn lại là hơn 54 bệnh viện tuyến huyện và trung tâm y tế tuyến huyện, bệnh viện tư nhân. Trong đó, có rất nhiều bệnh viện tuyến huyện vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn như Bù Đốp (Bình Phước), Mường Nhé, Mường Chà, Mường Ảng, Nầm Pồ (Điện Biên), Nầm Nhùm, Sìn Hồ, Tam Đường, Than Uyên (Lai Châu)…
Với vai trò của bệnh viện đa khoa trung ương trực thuộc Bộ Y tế, có gần 1.000 giường với hơn 1.000 cán bộ nhân viên, trong đó, bác sĩ có trình độ sau đại học chiếm hơn 70%: 1 GS, 6 PGS, các tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ CKII, CKI... với quy mô với 55 khoa, phòng và 4 trung tâm, Bệnh viện E là bệnh viện hạt nhân của 15 bệnh viện vệ tinh với các chuyên ngành: Tim mạch, hồi sức tích cực, ngoại chấn thương… Đến nay, Bệnh viện E đã hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới làm chủ được nhiều kỹ thuật gồm: Phẫu thuật Tim mạch cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình; Can thiệp Tim mạch cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang; Phẫu thuật nội soi khớp gối; Phẫu thuật bơm cement vào cột sống cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc; Nội soi tiêu hóa can thiệp; Điều trị tiêu sợi huyết trong nhồi máu não… Hệ thống Telehealth sẽ giúp cho các bệnh viện tuyến dưới tiếp cận dễ dàng, tiện lợi hơn, giảm chi phí trong cập nhật kiến thức và các kỹ thuật mới của Bệnh viện E và các bệnh viện tham gia hệ thống.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ các y, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn tham dự Đề án này sẽ góp phần nâng cao trình độ y tế tuyến giới, giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh.