Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: Thành công ca ghép gan thứ 10 và 11

(khoahocdoisong.vn) - Với việc thực hiện thành công ca ghép thứ 10 và 11 (từ người chết não và người cho sống), Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã trở thành một trong những bệnh viện có thể tự thực hiện kỹ thuật ghép gan, góp phần mang lại cơ hội sống cho người bệnh xơ gan, ung thư gan.

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM được Bộ Y tế cho phép triển khai kỹ thuật lấy, ghép gan từ người cho sống và từ người cho chết não vào ngày 21/03/2018. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 11 ca ghép gan. Trong đó, 2 ca gần đây nhất, theo TS.BS Trần Công Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tuỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, các bác sĩ đã thực hiện mà không có sự hỗ trợ từ chuyên gia nước ngoài do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài.

Ê kíp ghép gan của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đang tiến hành ghép gan cho bệnh nhân.

Ê kíp ghép gan của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đang tiến hành ghép gan cho bệnh nhân.

Sống khỏe nhờ ghép gan

“Chẳng lời nào có thể diễn tả hết cảm xúc của tôi lúc này. Tôi đã có thể sống khỏe mạnh như người bình thường, báo hiếu cho cha mẹ, cùng vợ chăm sóc 2 đứa con thơ. Đối với tôi chẳng có niềm hạnh phúc nào lớn hơn thế khi bất ngờ nhận một món quà quá lớn từ người xa lạ, tôi cũng sẽ cho đi những điều mình có thể, sống có ích hơn cho gia đình và xã hội”. Đó là chia sẻ đầy xúc động của anh H.V.L. - ca ghép gan thứ 10 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Anh đã may mắn được nhận trọn vẹn lá gan từ một người chết não tại Hà Nội.

Bà H.T.P. (61 tuổi, ngụ tại TPHCM), trường hợp ghép gan thứ 11, có tiền sử viêm gan siêu vi C dẫn đến xơ gan giai đoạn nặng. Một tháng trở lại đây, bà P. đã vài lần rơi vào hôn mê, tình trạng nhiễm trùng, rối loạn trong máu tăng và nguy cơ xuất huyết não dẫn đến tử vong.

Sau phẫu thuật ghép gan từ người cho chết não, anh L. đã dần hồi phục.

Sau phẫu thuật ghép gan từ người cho chết não, anh L. đã dần hồi phục. 

Theo đánh giá của các bác sĩ, nếu không được ghép gan kịp thời, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân trong vòng 3 tháng có thể lên đến 50%. Cả 3 người con của bà P. đều mong muốn được hiến gan, nhưng chỉ người con út là anh T.H.N. (28 tuổi, ngụ tại TPHCM) phù hợp với các tiêu chuẩn về y học. Sau phẫu thuật 1 tuần, anh N. đã được xuất viện. Hiện sức khỏe bà P. ngày càng ổn định, có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường.

TS.BS Trần Công Duy Long chia sẻ, ghép gan là biện pháp triệt để cho các trường hợp người bệnh bị xơ gan, ung thư gan giai đoạn sớm và chức năng gan kém. Ghép gan giúp người bệnh có chất lượng sống tốt hơn. Đối với người hiến, sau khi hiến gan, các tế bào gan có thể tái tạo, phục hồi để đảm bảo chức năng hoạt động của gan giống với người bình thường.

Phương pháp điều trị hiện đại, tiết kiệm chi phí

Theo GS.TS.BS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh viện đã tiến hành đào tạo hơn 30 nhân sự bao gồm bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng, phẫu thuật viên, chuyên viên chẩn đoán hình ảnh, chuyên viên gây mê - hồi sức… Trong suốt quá trình thực hiện đề án, bệnh viện còn liên tục tổ chức và tham gia các Hội nghị, Hội thảo về lĩnh vực Gan mật tụy nói chung và ghép tạng nói riêng, với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ… Với sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật từ Hàn Quốc, Bệnh viện đã thực hiện thành công 9 ca ghép gan.

Sau đó, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, bệnh viện đã nỗ lực tự ghép thành công cho 2 ca số 10 và 11. Người bệnh được tiếp cận với phương pháp điều trị tiên tiến, tiết kiệm thời gian, chi phí phẫu thuật cũng như chi phí đi lại, sinh hoạt so với việc thực hiện ở nước ngoài, đồng thời thuận lợi hơn trong quá trình tái khám sau ghép.

Với sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật từ Hàn Quốc, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã có thể thực hiện thành công phẫu thuật ghép gan.

Với sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật từ Hàn Quốc, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã có thể thực hiện thành công phẫu thuật ghép gan.

Ghép gan là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho các trường hợp bệnh nhân bị xơ gan, ung thư gan giai đoạn sớm và chức năng gan kém, giúp người bệnh có chất lượng sống tốt hơn. Người được ghép gan có thể là một người thân yêu trong gia đình, nhưng cũng có thể là một người hoàn toàn xa lạ với người hiến tạng.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ: “Để thực hiện ghép gan thành công đòi hỏi phải có nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm và thực hiện được các kỹ thuật phức tạp, mỗi cặp ghép đều khác nhau về chỉ định, bệnh lý và bệnh nền của người bệnh cũng rất khác nhau. Thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục mời các chuyên gia từ Hàn Quốc, Mỹ và các Trung tâm Ghép gan có uy tín đến hỗ trợ, giúp bệnh viện thực hiện các ca ghép an toàn hơn cho người bệnh, đồng thời triển khai nhiều kỹ thuật ghép khác nhau, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho người bệnh".

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Các lợi ích từ quả, hoa đực của cây đu đủ được rất nhiều người biết đến, thế nhưng ít ai biết hạt của loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách.
back to top