Những người dự báo thời tiết
Các nhà khoa học Anh đã tiến hành nghiên cứu trên 9.000 người bị các cơn đau mạn tính, như viêm khớp, đau lưng và chứng đau nửa đầu… Nhóm nghiên cứu đã yêu cầu họ ghi chú lại các triệu chứng và cơn đau của họ hàng ngày bằng việc sử dụng một ứng dụng điện thoại thông minh.
Ứng dụng này cũng đồng thời kết hợp với việc thu thập thông tin thời tiết mỗi giờ, để đánh giá mối liên hệ giữa thời tiết và mức độ đau đớn của bệnh nhân.
GS Will Dixon, chuyên khoa xương khớp tại Bệnh viện Salford Royal (Anh) là người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết, 80% số bệnh nhân tham gia nghiên cứu đều nghĩ rằng có một mối liên hệ nào đó giữa thời tiết và đau đớn; thậm chí 50% trong số họ cho rằng có thể đự đoán được thời tiết thông qua những cơn đau.
“Tôi chắc chắn có một mối liên kết giữa nhiệt độ lạnh, độ ẩm, lượng mưa và những cơn đau”, GS Will Dixon nói, ông cũng cho rằng ánh nắng mặt trời sẽ khiến cho con người có tâm trạng tốt hơn và điều này sẽ tiết ra các hormone làm giảm các cơn đau.
Theo lương y Nguyễn Văn Sử, Hội Đông y Việt Nam, có 6 điều kiện tự nhiên gồm phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng nóng), thấp (ẩm), táo (khô), hỏa (nhiệt, nóng) mà Đông y coi là tà khí. Con người vẫn chung sống bình thường và thích nghi với sự thay đổi của những tà khí này trong điều kiện thời tiết tự nhiên.
Nhưng khi các điều kiện khí hậu tự nhiên này trở nên khắc nghiệt, quá sức sức chịu đựng của con người, các tà khí sẽ tấn công cơ thể và gây phát sinh bệnh tật hoặc làm tăng nặng các biểu hiện bệnh mạn tính sẵn có trong cơ thể.
Đó là lý do vì sao những người mang các bệnh mạn tính thường cảm nhận rõ sự thay đổi thời tiết và họ thường được ví von là những người dự báo thời tiết.
BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sĩ Bệnh viện 105 cho rằng, việc một số người bị ảnh hưởng sức khoẻ bởi sự thay đổi thời tiết là không thể tránh khỏi, nhưng có thể giảm thiểu những tác động ảnh hưởng này bằng cách rèn luyện thân thể, tập thể dục thể thao đều đặn để nâng cao sức khoẻ.
Các bệnh dễ ảnh hưởng nhất
Các nhà khoa học khí quyển trên thế giới cho rằng tác động của thời tiết lên cơ thể con người vô cùng đa dạng, thậm chí còn có hẳn một chuyên ngành khoa học nghiên cứu về những thay đổi của cơ thể do thời tiết có tên gọi biometeorology (sinh học – khí tượng).
Các nhà khoa học cho rằng, mỗi khi bầu khí quyển thay đổi như xuất hiện gió, giông, lốc, bão, tuyết… đều ẩn chứa những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ về xương khớp, hô hấp, các bệnh về huyết áp hay tim mạch… Những thay đổi thời tiết phức tạp, không chỉ biến đổi về trạng thái mà còn có sự thay đổi về nhiệt độ, áp suất… từ đó tác động lên con người và các sinh vật sống trên Trái Đất.
Nhà nghiên cứu về ảnh hưởng sinh học của thời tiết Jennifer Vanos, thuộc Đại học Kỹ thuật Texas (Hoa Kỳ) cho biết, khi thời tiết thay đổi, ảnh hưởng rõ ràng, dễ nhận thấy và phổ biến nhất là vấn đề huyết áp. Khi áp suất khí quyển giảm, những người có tiền sử bệnh huyết áp, gồm cả huyết áp cao và huyết áp thấp, đều cảm nhận rõ rệt sự thay đổi huyết áp của mình.
Thay đổi thời tiết cũng làm cho nhiều người mắc chứng đau đầu, đó là do áp suất khí quyển và nhiệt độ không khí ảnh hưởng đến các mạch máu lưu thông đến não gây ra.
Sự thay đổi này cũng dẫn đến các chứng đau nhức xương khớp, đau mình mẩy, chân tay tế buốt, nhức mỏi. Hen suyễn, dị ứng, xoang, cảm lạnh, cúm và các bệnh đường hô hấp khác cũng là những vấn đề nhiều người mắc phải khi thời tiết thay đổi, nhất là vào những thời điểm giao mùa.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, thời tiết ảnh hưởng cả tới sức khoẻ tinh thần của con người. Những ngày nhiều mây, u ám dễ ảnh hưởng đến sức khoẻ tổng quát của con người, đặc biệt là những người mắc các bệnh về tâm thần, khiến cho những người đó thường có tâm trạng nặng nề, trầm cảm.
Huy Khánh