Bệnh nguy kịch vì sợ Covid-19 không đến bệnh viện

(khoahocdoisong.vn) - Sợ lây nhiễm bệnh, sợ đi khám về phải cách ly... đã khiến nhiều người hôn mê vì tai biến, vỡ ruột thừa... khi đến bệnh viện. Hãy chú ý chăm sóc bản thân, đừng vì quá lo lắng về dịch bệnh mà bỏ qua “thời gian vàng” để điều trị.

Covid-19 tạo ra một trận dịch thứ cấp

Ông N.Q.H. (50 tuổi, Hà Nội) có tiền sử bệnh huyết áp. Trưa đó, huyết áp của ông lên cao, hoa mắt, chóng mặt... gia đình muốn đưa đi bệnh viện, nhưng ông cương quyết từ chối vì sợ vào viện phải đợi chờ xét nghiệm Covid-19 và lo lây nhiễm. Ông uống thuốc rồi nằm nghỉ, nhưng chỉ sau 2 tiếng đã rơi vào hôn mê. Khi nhập viện cấp cứu, chụp MRI bác sĩ thông báo ông bị đột quỵ chảy máu não, tiên lượng rất xấu.

Chăm sóc cho bệnh nhân tại Bệnh viện E.

Chăm sóc cho bệnh nhân tại Bệnh viện E.

Bé N.T.H. (15 tuổi) bị sốt và đau bụng nhiều, nhưng bố mẹ sợ đến bệnh viện lây nhiễm Covid-19 nên tự mua thuốc cho con uống. Đến ngày thứ 5, con sốt cao, bụng đau không chịu được gia đình mới đưa con đi khám thì ruột thừa đã vỡ.

BS Nguyễn Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, quan sát cả 4 làn sóng dịch đã xảy ra ở Việt Nam đều thấy, những bệnh viện công từ hạng đặc biệt tuyến trung ương, bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh và thành phố, cho đến bệnh viện hạng 2 tuyến quận huyện... số lượng bệnh nhân giảm xuống chỉ còn khoảng 1/3. Qua khám bệnh hằng ngày thì thấy, cả những căn bệnh nặng, thậm chí đe dọa tính mạng như cơn đau thắt ngực, các dấu hiệu đột quỵ, viêm ruột thừa, hoại tử túi mật... bệnh nhân đều cố gắng nén chịu tại nhà vì ngại đến bệnh viện.

“Covid-19 đã tạo ra một trận dịch thứ cấp, đó là nỗi sợ hãi virus, làm cho nhiều người có bệnh trở nên liều lĩnh muốn tự chữa ở nhà, các bệnh viện đều vắng vẻ. Nhưng đó chỉ là một mảng của bức tranh xấu xí. Thực tế quan sát thấy số bệnh nhân nặng có dấu hiệu tăng lên, liệu đó có phải là hậu quả của việc cố gắng chịu đựng,?”, BS Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.

ThS.BS Phan Thảo Nguyên, Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho biết, trong thời gian này, hầu hết các bệnh nhân đến viện là các trường hợp cấp cứu nặng được chuyển từ tuyến dưới lên. Nhiều người đã trong giai đoạn muộn, nhưng để được phẫu thuật hoặc can thiệp, bắt buộc vẫn phải chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 nên bệnh càng nguy kịch.

Bệnh nhân ở nhà thiếu thuốc điều trị

Theo ThS.BS Phan Thảo Nguyên, dịch bệnh xảy ra cũng cho thấy sự bất cập về thuốc điều trị của bệnh nhân. Có rất nhiều bệnh nhân gọi điện vì hết thuốc điều trị, nhưng không dám tới viện. Bệnh nhân cũng không thể mua được thuốc điều trị ở tuyến tỉnh hoặc tuyến huyện vì không có thuốc đặc trị. Việc trì hoãn tới bệnh viện với những người bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch... đã là nguy hiểm, ở nhà lại không có thuốc thì nguy cơ tăng gấp nhiều lần. Chỉ 1 – 2 ngày bệnh nhân tim mạch không dùng thuốc chống đông, thuốc huyết áp... thì nguy cơ gặp phải biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ... rất dễ xảy ra.

Can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân.

Can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân. 

Do đó, sự bất cập này cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu giải quyết sao cho có đầy đủ thuốc điều trị ở các tuyến dưới, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân. Người bệnh cần phải dự phòng đủ thuốc để điều trị, không được thiếu thuốc, bỏ thuốc. Đặc biệt, trong giai đoạn này người bệnh tim mạch cần chú ý chăm sóc sức khỏe của mình: Uống thuốc đầy đủ, đo huyết áp thường xuyên... Cả người trẻ, người khỏe mạnh cũng cần chú ý lắng nghe cơ thể nếu thấy mỏi mệt, đau tức ngực, huyết áp tăng cao... hoặc bất kỳ sự bất thường nào cũng cần đến viện khám. 

Đừng vì lo lắng dịch bệnh lan rộng, mà bỏ qua “thời điểm vàng” chẩn đoán xác định bệnh. Đến viện muộn, hậu quả sẽ rất nặng nề.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top