Bệnh nhân khó chịu khi đến “mùa”
Hỏi: Cả tuần nay cơ thể tôi có nhiều thay đổi. Như tôi đi tiểu thấy nước tiểu đục, chân tay đau ê ẩm, mệt mỏi… Khi nói chuyện, các cụ hay bảo do thời tiết mùa thu. Vậy có thực sự, mùa thu gây ra các tình trạng trên không, vì sao?
Trần Thị Bình (Hải Dương)
BS Trịnh Hương Giang, phụ trách Trung tâm điều trị phục hồi xương khớp Việt Nam – Phòng chẩn trị YHCT Tâm Đức: Vào cuối mùa hạ đầu thu, theo y học cổ truyền, thời tiết mưa lạnh ẩm nhiều nên thuận lợi cho thấp hình thành và phát triển. Thấp tà mạnh xâm nhập vào cơ thể nhân khi chính khí cơ thể suy yếu mà gây bệnh.
Tính chất gây bệnh của thấp do mùa hạ, đầu thu có thể thấy qua các chứng sau: Hay gây ra chứng nặng nề như đau khớp chân tay mình mẩy nặng nề, cảm mạo do cảm lạnh kèm thêm thấy mỏi nhừ toàn thân. Hay bài tiết ra các chất đục (thấp trọc), như đại tiện lỏng, nước tiểu đục, chảy nước dục trong bệnh chàm.
Thấp tính hay dính, nhớt: miệng dính nhớt, tiểu tiện khó (sáp) khi gây bệnh khó trừ được nên hay tái phát như phong thấp. Thấp là âm tà hay làm tổn thương dương khí, gây trở ngại cho khí vận hành. Thấp làm dương khí của tỳ vị bị giảm sút, ảnh hưỏng đến sự vận hoá thuỷ thấp. Gây chứng phù thũng, ảnh hưởng đến vận hoá đồ ăn gây các chứng bệnh về tiêu hoá như nhạt miệng, ăn kém, đầy bụng, ỉa chảy, mót rặn.
TL (ghi)