Bé gái 9 tháng tuổi tử vong vì sốt xuất huyết

Ca mắc sốt xuất huyết liên tục được ghi nhận tại Khánh Hòa, đặc biệt đã có 1 bé gái 9 tháng tuổi tử vong.

Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng

Sức khỏe và Đời sống dẫn nguồn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, cho biết từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 900 ca mắc sốt xuất huyết mới (tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái). Đặc biệt, có trường hợp bé gái tên N. (mới 9 tháng tuổi, trú tại xã Ninh Phụng, Ninh Hòa, Khánh Hòa) tử vong vì sốt xuất huyết.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Ninh Hòa, ban đầu N. có biểu hiện sốt, ho, chảy mũi nước, người nhà tự mua thuốc về cho uống… Sau đó trẻ được khám và điều trị tại một phòng khám rồi mới chuyển lên Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa (cơ sở 2) để khám và lấy thuốc, tiếp theo là nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa. Tại đây, bệnh viện chẩn đoán N. bị sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 5, thể sốc. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, men tiêu hóa, dung dịch Oresol, dịch truyền.

Tuy nhiên, bệnh không có dấu hiệu tiến triển tích cực nên được chuyển tiếp lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa để điều trị. Do bệnh quá nặng, bệnh nhân N. đã tử vong tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa.

Sau khi sự việc xảy ra, ngành y tế địa phương đã tổ chức diệt lăng quăng trong phạm vi bán kính 200m xung quanh nhà N., đồng thời phun hóa chất diệt muỗi tại 60 hộ gia đình khu vực bệnh nhân N. sinh sống để phòng, chống sốt xuất huyết.

Bệnh nhân điều trị bệnh sốt xuất huyết tại cơ sở y tế Khánh Hòa. Ảnh minh họa - Ảnh: NLD.

Bệnh nhân điều trị bệnh sốt xuất huyết tại cơ sở y tế Khánh Hòa.

Ảnh minh họa - Ảnh: NLD.

Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh xảy ra phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới do vi rút Dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt dengue) gây ra. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và cao điểm nhất là vào mùa mưa, mùa sinh sản của muỗi. Sốt xuất huyết gặp ở cả người lớn và trẻ em, bệnh gây sốt cao, mệt mỏi, đau nhức xương, rối loạn đông máu, xuất huyết, giảm huyết áp đột ngột. Với một số trường hợp có thể bị chuyển biến nặng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Trước đó, Sở Y tế Khánh Hòa có văn bản yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương và đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống SXH trước mùa dịch; đặc biệt là tuyên truyền hướng dẫn học sinh thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng tại trường học, gia đình và cộng đồng; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân, dịch bệnh SXH trên địa bàn, nhất là tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch; tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh chịu trách nhiệm tiếp nhận, điều trị, hỗ trợ cho các bệnh viện trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị bệnh nhân SXH. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đảm bảo thu dung, điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong; tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị; đảm bảo dự trữ đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ... để phòng, chống dịch và điều trị cho bệnh nhân. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND cùng cấp kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông; huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống SXH…

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn người dân cách diệt lăng quăng để phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: baodantoc.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn người dân cách diệt lăng quăng để phòng chống sốt xuất huyết.

Ảnh: baodantoc.

Trước tình hình của dịch sốt xuất huyết, bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa khuyến cáo, từng hộ gia đình hãy tích cực cùng các cấp chính quyền địa phương và nhân viên y tế diệt lăng quăng. Phải triệt tiêu môi trường sinh sôi muỗi vằn bằng cách phát quang bụi rậm, không để tồn tại các vũng nước tù đọng quanh nơi sinh sống, vệ sinh các dụng cụ chứa nước…

Hiện tại, nhân viên y tế dự phòng đang phối hợp rất chặt chẽ với lực lượng y tế các xã/phường để điều tra, giám sát chỉ số lăng quăng, đánh giá hiệu quả công tác xử lý dịch bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời phân ra các tổ/thôn thuộc nguy cơ cao với sốt xuất huyết tiến hành chiến dịch tiêu diệt lăng quăng với tần suất 2 lần/tuần. Với thôn/tổ có nguy cơ vừa tiến hành tiêu diệt lăng quăng 1 lần/tuần. Các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết cũng đã được hướng dẫn cụ thể đến từng khu dân cư, nhất là ở các địa bàn có nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Người dân khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc sốt xuất huyết như sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, buồn nôn… nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị.

Hiện, các cơ sở y tế ở Khánh Hòa đã chuẩn bị thuốc, vật tư để có thể tiếp nhận, thu dung điều trị một cách tốt nhất cho bệnh nhân sốt xuất huyết./.

Theo Đời sống
back to top