Lùi lịch thu tiền 7 ngày
Thông thường, vào mùa lạnh, gia đình bà Hoàng Thanh Mai, số 33, phố Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm sử dụng khoảng trên dưới 300 số điện, tương ứng số tiền khoảng 600 ngàn đồng. Tuy nhiên, từ 07/01 đến 13/02/2019 gia đình bà Mai được EVN Hà Nội thông báo dùng điện gấp nhiều lần so với bình thường và số tiền phải nộp lên đến 1.605.502đ. Trong khi đó, nhu cầu và công suất thiết bị điện tiêu thụ của gia đình bà không có gì đột biến so với ngày thường.
Gia đình anh Nguyễn Thanh Hiếu, quận Hoàng Mai cũng gặp phải tình trạng tương tự khi lượng điện tiêu thụ tăng lên so với ngày thường khoảng 100 số.
Đáng chú ý, một số trường hợp hộ gia đình cho thuê phòng trọ, mặc dù mọi người về quê hết, đáng lẽ ra là số điện tiêu thụ phải giảm đi, nhưng ngược lại, số điện lại tăng lên một cách bất thường.
Anh Nguyễn Hữu Dần, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm cho biết: Số điện tăng so với bình thường như vậy là bất thường. Tuy nhiên, những hộ gia đình cho thuê trọ ít khi thắc mắc, vì thông thường, số lượng điện tiêu thụ của những hộ này thường rất cao, nên được áp dụng theo cách tính cao nhất rồi.
EVN Hà Nội phủ nhận
Có người dân cho rằng, việc EVN Hà Nội thu tiền điện chậm hơn 7 ngày so với thông thường có thể là nguyên nhân bất thường.
Cụ thể, căn cứ cách tính tiền điện cho hộ gia đình được áp dụng tại mục 4.1 của Quyết định số 2256/QĐ-BCT ngày 12/03/2015 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện. Giá điện sinh hoạt được tính theo 6 bậc. Bậc 1 từ 0 – 50kWh thì áp dụng giá 1,484đ. Bậc 2 từ 51 – 100kWh tính giá 1.533đ. Bậc 3 từ 101 – 200kWh áp dụng giá 1.786đ. Bậc 4 từ 201 – 300kWh áp dụng giá 2.242đ. Bậc 5 từ 301 – 400kWh áp dụng giá 2.503đ. Bậc 6 từ 401 trở lên áp dụng giá 2.587đ.
Vậy, việc thu chậm hơn 7 ngày so với thông thường liệu có phải là nguyên nhân khiến tiền điện của nhiều gia đình tăng đột biến. Bà Hoàng Thanh Mai cho biết: Số điện tiêu thụ của gia đình tăng gấp nhiều lần so với bình thường, trong khi nhu cầu sử dụng điện của gia đình không thay đổi là điều bất thường.