Vào mùa nóng ẩm, tủ quần áo rất dễ bị mọt, nấm mốc tấn công.
Xử lý mọt bằng mẹo không hiệu quả
GS.TS Bùi Công Hiển, nguyên giảng viên Khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, mọt là côn trùng có kích thước nhỏ. Quá trình chúng đục gỗ chui vào sinh sống, đẻ trứng và nở thành sâu non, chúng ta rất khó phát hiện ra. Chỉ đến mùa sinh sản (thời tiết nóng ẩm) mọt đục gỗ mạnh chúng ta mới phát hiện.
Ngoài việc làm hỏng tủ, chúng còn phát ra tiếng kêu khó chịu, nguy hiểm hơn, các mảng bụi màu vàng nhạt (gỗ bị bào mòn và phân của mọt) có thể gây độc đường hô hấp và cho mắt nếu chẳng may dính phải.
Vẫn theo GS.TS Bùi Công Hiển, các mẹo dân gian như cắt vài lát hành tây để vào trong tủ, mùi của hành tây khiến mọt khiếp sợ chỉ có tác dụng xua đuổi chứ không diệt trừ tận gốc. Việc sử dụng hóa chất đúng là “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” nhưng lại rất nguy hiểm đến sức khỏe và ô nhiễm môi trường sống. Có một cách rất đơn giản là dùng dầu tây.
Ngay khi phát hiện có tiếng mọt, bạn hãy nhanh chóng kiểm tra và xử lý ngay, bởi chúng phát triển rất nhanh, không chỉ lan sang chỗ khác mà có thể lan sang những đồ gỗ khác trong nhà như giường, bàn ăn… Bước tiếp theo hãy lấy hết quần áo ra khỏi tủ, sau đó chuyển bị găng tay, khẩu trang, dầu, miếng giẻ, miếng nilon.
Hãy đeo găng tay, khẩu trang sau đó đổ dầu vào miếng vải và miết trên những chỗ bị mọt, dầu hỏa sẽ thấm vào gỗ làm mọt chết do không hô hấp được. Sau khi “miết” dầu hỏa xong, bạn hãy đính lớp nilon phía bên ngoài để mùi dầu hỏa không phát tán ra môi trường, đồng thời giúp dầu dễ thẩm thấm vào bên trong thớ gõ. Với những khe, kẽ để đạt hiệu quả cao, bạn có thể dùng xi lanh bơm dầu hỏa vào. Sau 2 -3 ngày, bạn tháo nilon ra, dùng khăn sạch ẩm lau vài lần cho hết mùi dầu là có thể cho lại quần áo vào.
Ông Nguyễn Thành Vinh: Thời gian này có nắng và gió, chọn những ngày nắng to, bạn có thể mở cửa sổ, sau đó lấy hết quần áo ra và mở cửa tủ để không khí lưu thông giúp tủ quần áo khô thoáng. Bạn cũng cần sắp xếp lại quần áo, quần áo ấm của mùa đông nên giặt sạch, phơi khô cho vào túi kín, những loại quần áo mỏng của mùa xuân- hè treo trên mắc.
Với mốc dùng nước không hiệu quả
Ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Dịch vụ Vệ sinh Nhà sạch cho biết, thời tiết nóng, ẩm ở nước cũng dễ làm nấm mốc phát triển. Thời tiết cộng thêm với việc chính chúng ta chưa biết cách xử dụng khiến cho tủ quần áo bề ngoài thì mới, đẹp nhưng thực tế đã bám đầy nấm mốc.
Cụ thể, nhiều người sử dụng các loại tủ không có chân, kê thẳng xuống đất, hoặc kê tủ sát vào tường, hoặc chọn nơi kín, bí để kê. Ngoài ra, việc quần áo không được gấp gọn gàng, hay nhét vào tủ cả những chiếc quần hay áo chưa phơi được già nắng đều khiến cho tủ quần áo bốc mùi và phát sinh nấm mốc. Đặc biệt, nhiều gia đình chọn lựa sử dụng các loại thảo dược để hút ẩm, tạo mùi cho tủ quần áo như bã cà phê, bã chè… tuy nhiên, chính những vật liệu này lại có khả năng phát sinh nấm mốc…
Để tránh tủ quần áo mốc xanh mốc đỏ, nên sử dụng loại tủ có chân cao, nếu tủ không có chân hãy kê dưới chân tủ một tấm thảm chống ẩm, chống nước.
Ngoài ra, hãy kê tủ tại những vị trí thoáng, có ánh sáng và kê cách tường khoảng 2-3cm. Việc này là để không khí lưu thông làm khô lưng tủ khi độ ẩm không khí cao.
Bã cà phê, bã chè… giúp hút ẩm cho tủ. Tuy nhiên, trước khi cho vào tủ, những vật liệu này phải được phơi thật khô, ngoài ra phải thường xuyên kiểm tra và thay mới hàng tuần.
Trong trường hợp tủ đã bị nấm mốc, bạn phải nhanh chóng xử lý bởi nấm mốc phát triển rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn chúng sẽ lan khắp tủ và lan sang cả quần áo. Việc bạn chỉ sử dụng nước thông thường để lau là không hiệu quả vì chúng không diệt trừ được các bào tử nấm.
Sau khi lau sạch nấm mốc bằng khăn sạch, bạn nên lau lại với cồn hoặc nước là những dung dịch khử trùng mạnh. Khi thực hiện, nhớ đeo khẩu trang và bao tay để tránh vi khuẩn, nấm mốc bay vào miệng hoặc cơ thể.
Huy Khánh