Số liệu từ Tổng Cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 4/2021 ước đạt 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 28,1% so với quý trước và giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,79 triệu tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (năm 2020 giảm 3%).
Tuy nhiên nếu tính riêng mảng bán lẻ hàng hóa thì năm nay đạt 3,95 triệu tỷ đồng, tăng 0,2% so với kết quả bán lẻ hàng hóa của năm 2020.
Tăng trưởng này diễn ra trong bối cảnh dịch Covid - 19 hoành hành, khiến thu nhập bình quân giảm sút, người dân càng thắt chặt chi tiêu.
Tuy nhiên, nếu nhìn góc độ chi phí sản xuất, giá cả nguyên vật liệu đầu và chi phí tăng cao thì mức tăng này của ngành bán lẻ được cho là hợp lý.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lý giải, tăng trưởng này của ngành bán lẻ là giá hàng hóa tăng, không phải sức mua tăng.
Bên cạnh đó, giãn cách cũng thúc đẩy người dân tăng cường tham gia thương mại điện tử, bù đắp doanh số cho các kênh truyền thống.
Trong vài năm trở lại đây, thị trường bán lẻ của Việt Nam đang được đánh giá là tiềm nằng. Nếu giữ vững tăng trưởng như hiện nay, thì chỉ 2 năm tới quy mô thị trường bán lẻ sẽ đạt 200 tỷ USD.