Báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2021 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đặt kỳ vọng vào nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng và bán lẻ.
Cấu trúc ngành bán lẻ của Việt Nam cho tới trước khi đại dịch bùng phát vẫn chủ yếu là các kênh truyền thống. Kênh phân phối hiện đại chỉ chiếm khoảng trên dưới 30% tổng dung lượng của thị trường bán lẻ.
Tuy nhiên, dịch bệnh khiến kênh truyền thống đang tạm đóng cửa, và kênh phân phối hiện đại với sự phủ sóng rộng hơn, sâu hơn đến các khu dân cư.
Theo Báo cáo của VDSC: "Trong đại dịch Covid-19, thị trường đã chứng kiến xu hướng dịch chuyển từ những cửa hàng tạp hóa nhỏ sang các siêu thị mini. Mặc dù các kênh bán hàng truyền thống sẽ không thể bị thay thế, nhưng xu hướng hiện đại hóa này sẽ còn tồn tại trong tương lai khi kỳ vọng của khách hàng cho tiêu dùng ngày càng tăng".
Nhu cầu tiêu dùng các hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là lương thực thực phẩm vẫn rất lớn. Đó là chưa kể tâm lý tích trữ của một bộ phận không nhỏ người dân.
Điều đó đã đóng góp không nhỏ vào doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ trong một vài tháng gần đây. Nhưng chi tiêu hộ gia đình và các ngành dịch vụ sẽ tăng trưởng âm trong quý III.
Còn trong quý IV, nếu không có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, hoạt động kinh tế sẽ phục hồi ở mức thấp do những ảnh hưởng sâu sắc từ đại dịch lên thị trường lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng và ngân sách của Chính phủ, bảng cân đối của doanh nghiệp và túi tiền hộ gia đình.
VDSC cho rằng, do khả năng xảy ra làn sóng Delta và các biến thể mới sẽ đi kèm cùng biện pháp kiểm soát dịch bệnh là một rủi ro rõ rệt vào năm 2022, sự phục hồi sẽ còn khó khăn và tương đối chậm đối với một số lĩnh vực như du lịch, lữ hành và bán lẻ.
Trong bối cảnh đó, giải pháp bán hàng đa kênh được nhiều doanh nghiệp triển khai nhanh chóng và được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng lạc quan cho ngành bán lẻ thời gian tới.
Còn theo một nghiên cứu khác, sau dịch Covid ngành bán lẻ Việt Nam đã và đang thay đổi mạnh mẽ. Lượng người dùng Việt Nam tìm kiếm mua hàng trực tuyến tăng hơn 40% vì ảnh hưởng của dịch.
Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai và có thể là "kim chỉ nam" cho các chiến lược tái cấu trúc chuyển đổi số của nhà bán lẻ, và có đến 64% người tiêu dùng sau dịch bệnh sẽ vẫn tiếp tục sử dụng kênh online làm kênh chính của mình.
Một khảo sát của Harvard Business Review cho thấy, có tới 73% người tiêu dùng sử dụng nhiều kênh khác nhau trong quá trình mua hàng, và 24,1% nhà bán hàng đa kênh trên ghi nhận có tăng trưởng doanh thu trong và sau dịch bệnh Covid-19.
Một khảo sát của Deloitte Việt Nam thì cho thấy, sau đại dịch Covid-19 bùng nổ, đã có sự thay đổi các ưu tiên trong thói quen của người tiêu dùng.
Theo đó, người tiêu dùng bắt đầu từ hạn chế đến các điểm bán hàng truyền thống, chuyển giao dịch trực tuyến. Tức là, hành vi tiêu dùng đã thay đổi từ "thuận tiện" sang "an toàn", từ "cân nhắc về giá cả" sang "tình trạng có sẵn của hàng hóa", từ "mong muốn" sang "nhu cầu thiết yếu".
Hiện, người tiêu dùng Việt Nam - đặc biệt là người tiêu dùng trẻ ở đô thị lớn dành trung bình 6 giờ 42 phút mỗi ngày dùng internet. Người tiêu dùng đã khá quen thuộc với mua sắm trực tuyến. Tuy bán lẻ truyền thống vẫn có chỗ đứng nhất định, nhưng kinh doanh trực tuyến tử có sự phát triển nhanh chóng.
Thay đổi hành vi lựa chọn của người tiêu dùng khiến kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử đã vươn lên chiếm vị trí đầu bảng trong các kênh bán hàng hiệu quả năm 2020, thế chân Facebook và ngay sau là quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội mới (Tiktok, Zalo).
Tương ứng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng mô hình đa kênh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bao gồm các kênh trực tuyến và các kênh trực tiếp nhằm tương tác với người mua mọi lúc mọi nơi giúp hành trình mua sắm không bị gián đoạn.