Vừa qua, Forbes Việt Nam đã phối hợp cùng ManpowerGroup vừa tổ chức hội thảo trực tuyến "Cải thiện kỹ năng, sẵn sàng phát triển sự nghiệp sau dịch bệnh". Theo đó, các đại biểu nhấn mạnh, trong 2-3 năm nữa, với tốc độ khuynh đảo của công nghệ và số hóa, các nghề sử dụng nhiều lao động giản đơn (dệt may, da giày, lắp ráp máy móc điện tử…) sẽ dần bị thay thế bởi máy móc và công nghệ.
Khảo sát xu hướng tuyển dụng trong 2 quý cuối năm 2021 tại Việt Nam của ManpowerGroup cho thấy, hơn một nửa doanh nghiệp (53%) có ý định gia tăng tuyển dụng và hơn 1/4 (khoảng 27%) doanh nghiệp sẽ duy trì số lượng người lao động hiện tại.
Như vậy, cơ hội việc làm vẫn tồn tại, nhưng có sự điều tiết, phối hợp giữa các bên: doanh nghiệp, nhà nước, dịch vụ cung ứng lao động để người lao động có thể chuyển dịch phù hợp giữa các ngành nghề do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoài ra, 4 năm tới, con người và máy móc sẽ chia sẻ một nửa công việc với nhau. Các ngành nghề mới kết hợp giữa công nghệ và kỹ năng của con người sẽ phát triển như khám chữa bệnh từ xa, công nghệ giáo dục (edtech), các công việc liên quan đến IT.
Tại đây, trưởng phòng Dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động của ManpowerGroup Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Sơn phát biểu, cuộc cách mạng việc làm diễn ra dưới sự tác động của công nghệ và đại dịch Cvid19 đang đẩy nhanh tiến trình này. Các ngành nghề mới kết hợp giữa công nghệ và kỹ năng của con người sẽ phát triển như khám chữa bệnh từ xa, công nghệ giáo dục (edtech), các công việc liên quan đến IT.
Song, đại dịch cũng khiến những ngành nghề truyền thống như bán hàng và tiếp thị, du lịch - lữ hành - khách sạn và giải trí, bán lẻ bị ảnh hưởng mạnh. Đại diện ManpowerGroup nhấn mạnh: "Tương lai, trong lĩnh vực bán lẻ, chúng ta sẽ không còn thấy thu ngân tại quầy nữa, mà khách hàng sẽ tự chọn hàng hóa và tự thanh toán".
Cùng với đó, những ngành nghề liên quan đến giấy tờ sổ sách, có thể thay thế bằng máy móc có nguy cơ biến mất trong tương lai. Tuy nhiên, máy móc sẽ không thay thế hoàn toàn công việc của con người, mà cả hai sẽ phát triển song song. Những doanh nghiệp có khả năng chuyển đổi mô hình hoạt động thích hợp trong bối cảnh mới và những công việc liên quan y tế phúc lợi, hậu cần, thương mại điện tử sẽ có nhiều cơ hội.
Báo cáo từ McKinsey và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nêu rõ, đại dịch Covid-19 đang tái định hình những kỹ năng của người lao động. Đến năm 2022, khoảng 42% các kỹ năng quan trọng cần thiết cho công việc hiện tại sẽ thay đổi. Đến năm 2030, một tỷ lao động sẽ cần phải đào tạo lại do các sự thay đổi về việc làm.