Bán bảo hiểm xe cơ giới loạt doanh nghiệp thu tiền khủng

Với số lượng xe cơ giới "khổng lồ" tại Việt Nam, lợi nhuận mà các doanh nghiệp thu được từ bảo hiểm trách nhiệm dân sự là không hề nhỏ.

Bảo hiểm xe cơ giới là loại bảo hiểm dành cho xe ô tô, xe máy, xe tải và các phương tiện giao thông đường bộ khác. Mục đích của bảo hiểm là bảo vệ kinh tế tránh thiệt hại về tài sản hoặc thương tật do tai nạn giao thông gây ra, không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu xe xảy ra tai nạn.

Hiện nay, các loại hình bảo hiểm chính bao gồm 4 loại: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe cơ giới; Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với hàng hóa vận chuyển trên xe; Bảo hiểm thiệt hại về vật chất của xe cơ giới; Bảo hiểm cho những người ngồi trên xe và tai nạn lái phụ xe.

Trong đó, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới là loại hình bảo hiểm bắt buộc mà tất cả các cá nhân, tổ chức sở hữu xe cơ giới đều phải tham gia theo, do đó đây cũng là loại bảo hiểm được người dân mua nhiều nhất. Dù chỉ mỗi xe một bảo hiểm bắt buộc, thế nhưng, lợi nhuận mà các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thu được từ bảo hiểm xe cơ giới là không hề nhỏ.

Doanh thu từ bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 13.040 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 26,2% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng 17,2% so với cùng kỳ, bồi thường 6.126 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 47%.

Doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 3.221 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6.5 %, tăng 14.6% so với cùng kỳ, bồi thường 562 tỷ, tỷ lệ bồi thường 17,4%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 9.819 tỷ đồng, tăng 18%, chiếm 19,7%, bồi thường 5.564 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 56,7 %

Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính mới đây của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), nguồn thu đến từ bảo hiểm xe cơ giới chiếm phần quan trọng. Cụ thể, loại hình bảo hiểm này mang về cho PJICO 1.046 tỷ đồng doanh thu, đóng góp 39% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc.

Ngoài PJICO, hiện nay, trên thị trường có nhiều công ty bảo hiểm cung cấp bảo hiểm xe cơ giới cho người dân như: Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện (PTI), Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI), Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI)...

Kết thúc Quý II năm 2022, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) đạt doanh thu gần 1.500 tỷ đồng đến từ bảo hiểm xe cơ giới, chiếm 44% tổng doanh thu, hoàn thành 52,6% kế hoạch năm. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm xe ô tô vẫn chiếm tỉ trọng rất lớn, với doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng 12,6% so với năm 2021.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI), doanh thu phí bảo hiểm gốc cho loại hình bảo hiểm xe cơ giới đạt 436 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và chiếm 18% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc. Ở chiều ngược lại, BMI đã chi bồi thường bảo hiểm gốc 164 tỉ đồng, tương ứng 48% doanh thu mang về.

Tại Tổng Công ty Bảo hiểm Hàng không (AIC), với 963 tỉ đồng, phí bảo hiểm xe cơ giới thậm chí còn chiếm đến 68% tổng doanh thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 (1.422 tỉ đồng). Trong khi đó, AIC cũng đã chi 339 tỉ đồng (khoảng 35% doanh thu) bồi thường cho bảo hiểm xe cơ giới.

Tương tự, loại hình bảo hiểm xe cơ giới đưa về cho Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) 432 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 13% so với cùng kỳ và góp khoảng 22% trong tổng số 1.941 tỉ đồng doanh thu phí bảo hiểm công ty đưa về trong kỳ. Thuyết minh báo cáo tài chính đã soát xét của BIC cũng cho biết, với 432 tỉ đồng doanh thu từ bảo hiểm xe cơ giới, doanh nghiệp đã chi 190 tỉ đồng (44% doanh thu) cho chi phí bồi thường bảo hiểm xe cơ giới.

Đối với Bảo hiểm Quân đội (MIG), 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới đạt 757 tỉ đồng, tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2021 và góp 40% vào tổng doanh thu phí bảo hiểm MIG trong kỳ. Phía MIG thông tin, đã dành 351 tỉ đồng chi bồi thường bảo hiểm xe cơ giới, tương ứng 46%.

Bảo hiểm bắt buộc cho xe máy "kém" hiệu quả

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất loại bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy cho dự thảo Nghị định Quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính.

VCCI cho hay, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội, trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy. Theo VCCI, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy cũng không chứng minh được là mang lại nhiều lợi ích xã hội.

Khác với bảo hiểm tự nguyện, loại bảo hiểm này không chi trả cho người mua bảo hiểm (chủ xe) mà chi trả cho nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây tai nạn. Điều này nhằm đảm bảo cho người bị nạn luôn nhận được quyền lợi bồi thường từ công ty bảo hiểm dù người gây ra tai nạn có điều kiện tài chính hay không.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (tương đương 45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác như tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của ôtô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ xe máy. Theo đó, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên.

Theo Đời sống
back to top