Bác sĩ "quên Tết" chăm sóc bệnh nhân Covid-19

Từ khi Việt Nam có dịch Covid-19, khái niệm đón Tết cùng gia đình của các y, bác sĩ đã chuyển sang hình thức "online". Tết đó nhưng thực sự quá tải rồi. Anh em bác sĩ cứ làm triền miên 6 – 8 tuần/ca trực. Hai năm nay, các bác sĩ chẳng biết Tết là gì.

Nơi không có khái niệm Tết

Không khí Tết đã bao phủ khắp các nẻo đường Tổ quốc thì bên trong Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 lớn nhất miền Bắc - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 vẫn luôn giữ một không khí duy nhất: Đó là sự khẩn trương, hối hả cứu giúp người bệnh.

BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho hay, hiện có khoảng 500 cán bộ, nhân viên y tế của viện và các đơn vị hỗ trợ từ Đại học Điều dưỡng Nam Định, Hưng Yên, Cao đẳng y tế Bạch Mai đang ngày đêm điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tầng 3. Hơn 500 giường bệnh tại đây luôn kín.

tet-bs.jpg
Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.

Đặc biệt, những ngày cuối năm, các ca mắc Covid-19 chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", số ca phải chuyển điều trị lên tầng 2, 3 tăng, dẫn đến áp lực đè lên đôi vai các nhân viên y tế cũng nặng hơn.

Do đó, để đảm bảo công tác điều trị, chăm sóc hơn 40 bệnh nhân Covid-19 nguy kịch thở máy, trong đó có 6 ca rất nặng phải can thiêp tim, phổi nhân tạo, 3 ca, 4 kíp trực của Khoa Hồi sức tích cực luôn phải căng mình.

Về lý thuyết, một bệnh nhân bình thường, nếu thở máy sẽ cần ít nhất 1 điều dưỡng chăm sóc. Một ca ECMO cần tới 3 - 5 người hỗ trợ. Một bác sĩ nếu chỉ phụ trách 2 - 3 ca ECMO chắc chắn sẽ quay cuồng hết nguyên ca trực.

Do đó, để đáp ứng lượng lớn bệnh nhân nặng, nguy kịch, các y bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực thường xuyên phải làm việc gấp đôi, thậm chí gấp 3 công suất. Không chỉ thế, cường độ làm việc trong ca trực điều trị Covid-19 cũng cao hơn rất nhiều so với các bệnh lý thông thường.

tet-bs-3.jpg
Các y bác sĩ làm việc gấp 2 - 3 lần để chăm sóc bệnh nhân.

ThS.BS Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (HSTC) của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, cũng vì điều kiện bệnh nhân gia tăng, đặc biệt là bệnh nhân nặng nên rất khó để đảm bảo việc sắp xếp cho cán bộ y, bác sĩ có lịch nghỉ Tết. Chỉ có một nhóm rất nhỏ, có thể có 1 kíp khoảng 10 người đã trực chiến trong bệnh viện trong khoảng thời gian 3 tháng trở lên có thể sẽ được đón Tết Nguyên đán cùng người thân.

BSCKII Nguyễn Trung Cấp tâm sự: "Với bệnh viện này không có khái niệm Tết". Vì với 500 giường bệnh đang kín chỗ, Bệnh viện đã và đang thiếu nhân lực điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Trong khi đó, nhân lực cấp cứu thì không thể "xin" được, bởi phải đào tạo rất kỹ, rất chắc chắn về chuyên môn và hoàn toàn không sẵn có".

"Tết đó nhưng thực sự quá tải rồi. Anh em bác sĩ cứ làm triền miên 6 – 8 tuần/ca trực. Trước kia, chưa có dịch, bác sĩ có thể được nghỉ thứ 7, Chủ nhật nhưng hai năm nay, chúng tôi chẳng biết đến Tết là gì chứ đừng nói tới cuối tuần", BSCKII Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.

Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư khẳng định, từ khi Việt Nam có dịch Covid-19, khái niệm đón Tết cùng gia đình của các y, bác sĩ đã chuyển sang hình thức "online".

Dẫu biết rằng, sức người có hạn và dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", nên BSCKII Nguyễn Trung Cấp chỉ có một mong muốn duy nhất là: "Anh chị em bác sĩ tiếp tục cố gắng vì sứ mệnh "lá chắn thép của nhân dân" và nhân dân, để ngày về của cán bộ y tế được ngắn lại, hãy tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19".

Gói bánh chưng để động viên anh em

goi-banh-chung-tet.jpg
Gói bánh chưng để động viện tinh thần anh em đón Tết.

Tương tự tại Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội trong những ngày cuối năm, khi nhà nhà đang chuẩn bị đón Tết đoàn viên thì 140 y bác sĩ, tình nguyện viên đang có mặt tại đây. Trong đó có gần 70 nhân viên y tế, tình nguyện viên của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; 27 bác sĩ từ Hà Giang; 35 bác sĩ, điều dưỡng từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và 10 thầy thuốc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá tới học tập, hỗ trợ chăm sóc, điều trị.

Lực lượng cán bộ y tế này sẽ đảm đương hơn 200 bệnh nhân Covid-19, trong đó rất nhiều ca nặng, nguy kịch, phải thở máy, lọc máu, chạy ECMO.

PGS.TSBS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa gói bánh trưng vừa trò chuyện: Đoàn công tác tỉnh đang có mặt tại bệnh viện, anh em sẽ không được về quê đón Tết. Chúng tôi tổ chức gói bánh chưng để những anh em đón Tết xa nhà cảm nhận được không khí Tết, động viên tinh thần anh em.

BS Nguyễn Văn Quỳnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho biết: Đây sẽ là một cái tết rất đặc biệt. Tham gia đoàn công tác của tỉnh đến Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 từ ngày 9/12, đây là năm đầu tiên anh đón Tết xa nhà gần 400km.

"Mọi năm tôi vẫn phải trực tại bệnh viện địa phương, tuy nhiên, chỉ trực 1 ngày. Năm nay xuống đây đón Tết ở bệnh viện mà không được về với gia đình. Càng về những ngày cuối năm lại càng thấy nhớ nhà, nhớ quê hương. Đặc biệt là khi ngồi gói bánh chưng thì cảm xúc ấy nhiều hơn.

Anh em cũng hơi buồn một chút, nhưng nhận được sự động viên của mọi người, nghĩ đến các bệnh nhân đang phải điều trị nên anh em đều cố gắng. Vì mục tiêu để không còn cái Tết nào còn Covid-19", BS Nguyễn Văn Quỳnh lạc quan.

tet-bs-1.jpeg
Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Hà Nội, TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện cho hay, dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán sẽ điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân tầng 3. Ngoài việc chuẩn bị nhân lực gồm 150 thầy thuốc trực tiếp điều trị, chăm sóc toàn diện cho các F0 này, sẽ có khoảng 50 nhân viên y tế khác hỗ trợ. Số cán bộ y tế chuẩn bị cho điều trị bệnh nhân Covid-19 chiếm hơn 25% tổng số nhân viên toàn viện.

"Từ tháng 5/2021 đến nay, chúng tôi đều tự lực cánh sinh, gồng mình lên để chăm sóc, điều trị, cứu sống được nhiều bệnh nhân nhất có thể", TS.BS Nguyễn Văn Thường chia sẻ.

Để chuẩn bị cho việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 dịp Tết, viện chia thành 2 tua trực, bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp và trực "một mạch" xuyên Tết.

2/3 trong số 200 nhân lực phục vụ điều trị Covid-19 dịp Tết này là cán bộ xung phong. Hơn 50% lãnh đạo các khoa, phòng cũng tự nguyện xin ở lại viện qua Tết để đồng hành cùng anh chị em", Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa những ngày giáp Tết, gần 400 nhân sự của viện cũng căng mình phục vụ 4 phân mảng: Điều trị gần 70 bệnh nhân Covid-19 tiên lượng nặng và nặng ở khu vực Truyền nhiễm tại viện; Điều trị hơn 500 F0 tại cơ sở ở Đền Lừ (quận Hoàng Mai); điều trị bệnh nhân thường và tiêm chủng văcxin Covid-19.

TS.BS Đinh Thị Lam, Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: “Nhiều cặp vợ chồng trẻ, nhiều cán bộ xung phong ở lại chăm sóc điều trị F0, mấy tháng không về nhà”.

Thực tế hiện tại, trên khắp đất nước, các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đang “quên Tết” để phục vụ công tác phòng chống dịch, mang bình yên, hạnh phúc, sức khỏe đến cho nhân dân.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top