Triệu chứng lồng ruột ở trẻ
Lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em, khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận. Nếu trẻ được đưa đến viện sớm, bác sĩ chỉ cần tháo lồng bằng hơi. Nếu trẻ đến muộn hoặc thủ thuật tháo lồng bằng hơi thất bại, tùy tình hình mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp.
Nguyên nhân gây ra chứng lồng ruột ở trẻ em hiện chưa xác định rõ, tuy nhiên 1 số giải thích được đưa ra: Do sự mất cân đối giữa kích thước của hồi tràng so với van hồi manh tràng, viêm hạch mạc treo ruột hoặc sau viêm đường hô hấp cũng có thể liên quan đến lồng ruột.
Khi bị lồng ruột trẻ thường có triệu chứng lâm sàng:
Đau bụng, quấy khóc: Trẻ đau bụng, quấy khóc từng cơn, biểu hiện bằng cơn khóc thét xuất hiện đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, cơn đau có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú.
Nôn ra thức ăn: ở giai đoạn đầu, ở giai đoạn muộn trẻ có thể nôn ra dịch xanh hoặc dịch vàng.
Đi ngoài nhày máu: có thể ỉa máu đỏ hoặc nâu, ỉa máu có thể xuất hiện sớm ngay sau cơn đau hoặc xuất hiện muộn sau 24h. Xuất hiện 95 % ở trẻ còn bú.
Đi ngoài ra máu cùng với nôn và thoát dịch vào lòng ruột là các yếu tố quan trọng góp phần làm giảm thể tích tuần hoàn.
Siêu âm là phương pháp tin cậy để chẩn đoán lồng ruột.
Điều trị và chăm sóc bệnh nhân tháo lồng bằng hơi tại bệnh viện
Chỉ định tháo lồng bằng hơi: Trẻ có chẩn đoán xác định lồng ruột; Tuổi: mọi lứa tuổi; Phát hiện sớm trước 72h; Chưa có dấu hiệu biến chứng: tắc ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc.
Tùy tình trạng của bệnh nhân bác sỹ có chỉ định tiền mê hoặc không. Trẻ được nằm ngửa đầu nghiêng sang một bên, chân duỗi thẳng. Điều dưỡng sẽ đặt một ống thông vào hậu môn và nối ống thông với máy tháo lồng có van điều khiển áp lực. Điều dưỡng giữ hai chân bệnh nhân duỗi thẳng, khép kín.
Bác sĩ tiến hành bơm hơi vào đại tràng qua ống thông. Kỹ thuật viên điện quang sẽ chụp phim hoặc siêu âm khi thấy hình ảnh khối lồng, bác sỹ tiếp tục bơm khí vào đại tràng, khối lồng dần di chuyển đến khi thấy hơi đột ngột trào sang ruột non ào ạt là lúc khối lồng được tháo.
Kỹ thuật viên điện quang chụp phim thứ hai hoặc siêu âm kiểm tra lại sau khi tháo được khối lồng. Lúc này điều dưỡng sẽ tiến hành tháo ống thông ra khỏi máy cho hơi trong lòng ruột thoát ra gần hết rồi rút ống thông ra khỏi hậu môn.
Trẻ sau tháo lồng có hiệu quả thường hết đau, ngủ yên, ỉa máu vẫn có thể có nhưng sẽ giảm dần, phân chuyển màu vàng, tính chất phân có thể lỏng do khi lồng ruột nước bị hấp thu vào lòng ruột nhiều.
Trẻ được truyền dịch: giải mê (nếu có tiêm tiền mê), bồi phụ nước và điện giải theo chỉ định của bác sĩ .
Trẻ được theo dõi khoảng 12- 24h sau đó được xuất viện.
Đa số các trường hợp tháo lồng bằng hơi khá nhanh và hiệu quả sau khoảng 5-10 phút, nhưng một số trường hợp trẻ đến muộn, ỉa máu nhiều, khối lồng chặt khó tháo có thể không tháo được ngay, bác sĩ sẽ có chỉ định truyền dịch bồi phụ nước và điện giải, tiêm kháng sinh và tháo lồng lại sau khoảng 1h.
Chăm sóc trẻ sau tháo lồng bằng hơi tại nhà
Lồng ruột sau khi tháo vẫn có thể bị tái lại ngay sau 1 vài giờ hoặc sau đó nhiều ngày. Vì vậy cha mẹ cần phát hiện sớm các triệu chứng để đưa trẻ quay lại viện kịp thời. Những trẻ đã từng bị bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh lần hai.
Không nên cho trẻ nhún nhảy quá nhiều sau tháo lồng, cho trẻ ăn ít một, uống thuốc theo đơn bác sỹ, theo dõi thêm các dấu hiệu lồng ruột tái phát: đau bụng đột ngột, xoắn vặn, khóc thét, nôn thức ăn … cần đưa trẻ đến viện khám ngay.
Trong trường hợp trẻ bị lồng ruột tái lại nhiều lần trẻ sẽ được chỉ định xét nghiệm kiểm tra xem có nguyên nhân thực thể: polyp, u hồi tràng, đại tràng. Nếu có nguyên nhân thực thể trẻ sẽ được phẫu thuật điều trị nguyên nhân.
Giữ ấm cơ thể cho trẻ, hạn chế viêm đường hô hấp vào mùa đông xuân, ăn uống vệ sinh tránh viêm hạch mạc treo dẫn đến lồng ruột.
PGS.TS Trần Ngọc Sơn (Phó giám đốc, trưởng khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)