Cấp cứu vì té võng, bé 4 tháng được phát hiện ruột và dạ dày chui lên lồng ngực

Sau té võng đập đầu xuống nền gạch, bé 4 tháng tuổi quấy khóc, bú khó, nôn trớ. Bên cạnh chấn thương thái dương bên phải, bé được phát hiện thoát vị hoành.

Bệnh nhi 4 tháng tuổi đã được chuyển từ Sóc Trăng lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Kết quả xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và chụp X-quang của bé cho thấy hình ảnh dạ dày, quai ruột chiếm toàn bộ phổi trái, chèn ép đẩy lệch tim sang bên phải.

thoat-vi-hoanh.jpg
thoat-vi-hoanh-1.jpg
Cấp cứu té võng, bé 4 tháng được phát hiện ruột và dạ dày chui lên lồng ngực do thoát vị hoành bẩm sinh. 

Với chẩn đoán bị thoát vị hoành, nếu không được mổ kịp thời để sắp xếp lại vị trí các tạng trong ổ bụng và lồng ngực, bệnh nhi có thể tử vong bất kỳ lúc nào.

Trong quá trình phẫu thuật, BSCKII Tạ Huy Cần, trưởng khoa Ngoại Tổng hợp và các bác sĩ phát hiện toàn bộ ruột non, ruột già, lá lách thoát vị nằm hoàn toàn trên khoang màng phổi.

Sau hơn 1 giờ trong phòng mổ, các bác sĩ đã nhanh chóng đưa các tạng thoát vị từ ngực về ổ bụng cho bé và khâu phục hồi cơ hoành khiếm khuyết.

Hiện bệnh nhi đã hồi phục sau mổ, sau hồi sức ngoại khoa tích cực, cả phần đầu và phần thoát vị bụng - ngực đều ổn định.

Theo các bác sĩ thoát vị hoành bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là hiện tượng các tạng từ ổ bụng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết bẩm sinh ở cơ hoành.

Tùy thuộc vào lỗ thoát vị to hay nhỏ mà các phủ tạng có thể chui lên lồng ngực như dạ dày, ruột non, lách.

Hậu quả nghiêm trọng có thể bị thiểu sản phổi và tăng áp động mạch phổi. Tỷ lệ tử vong của các trường hợp thoát vị hoành còn cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Đối với các trường hợp trẻ có cân nặng > 2500g và không kèm theo các dị tật nặng, phẫu thuật nội soi được chọn lựa.

be-4-thang.jpg
Ca thoát vị hoành 4 tháng tuổi này là một ca bệnh khó, hiếm gặp ở trẻ sơ sinh khi hầu hết các bộ phần nội tạng ở vùng bụng đã chui lên lồng ngực.

BSCKII Tạ Huy Cần cho biết thêm, trong tháng 1/2022, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận và điều trị nội soi cho 4 trường hợp thoát vị hoành. Sau mổ, vấn đề hô hấp cải thiện rõ rệt, trẻ có thể sớm được ngưng thở máy, tập ăn sữa và xuất viện sớm hơn.

Trong chương trình hợp tác tiền sản giữa Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố 3 năm qua, các bác sĩ đã chẩn đoán, tư vấn trước sinh cũng như tiếp nhận, hồi sức và can thiệp kịp thời ngay sau sinh, cứu sống hơn 30 trường hợp thoát vị hoành. Đặc biệt, trong số này có các bé sinh cực con, cực nhẹ cân 1100g, 1300g.

Theo Đời sống
back to top