Ảnh hưởng thần kinh và bệnh động kinh khi tiêm văcxin Covid-19?

(khoahocdoisong.vn) - Hiện tại có rất ít nghiên cứu trong nước và quốc tế nghiên cứu về tính an toàn cũng như nguy cơ khi tiêm phòng ở nhóm bệnh động kinh. Trong khi đó, có thông tin liên quan đến tiêm văcxin phòng Covid-19 ở những người mắc bệnh động kinh không có cơ sở khoa học đã gây hoang mang lo lắng đồng thời làm trì hoãn việc tiêm chủng? Vậy người bị bệnh động kinh đang dùng thuốc như thế nào thì được tiêm chủng? Ảnh hưởng của văcxin Covid-19 với thần kinh ra sao?

Tổng hợp dữ liệu dựa trên 48 bài báo thử nghiệm lâm sàng của các loại văcxin phòng Covid-19 cho thấy: AstraZeneca thử nghiệm trên 40.051 người, có 3 trường hợp được báo cáo có tác dụng lên thần kinh là biểu hiện viêm tủy cắt ngang, trong đó 2 trong 3 trường hợp được xác định là không liên quan đến tiêm chủng. Các văcxin khác (như Pfizer, Moderna…) không có báo cáo nào có tác dụng lên hệ thần kinh. Điều này cho thấy không có tác dụng phụ thần kinh lớn hoặc đáng kể nào của việc tiêm phòng văcxin Covid-19 ở người khỏe mạnh.

Một nghiên cứu trên 54 bệnh nhân động kinh tiêm văcxin phòng Covid-19 tại Đức, trong đó có 20% còn chưa kiểm soát cơn, 96% đang dùng thuốc kháng động kinh cho thấy: 2/3 dung nạp văcxin nói chung là rất tốt hoặc tốt; 33% báo cáo tác dụng phụ của tiêm chủng nói chung. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là nhức đầu, mệt mỏi, sốt và rùng mình.

Về các tác dụng phụ liên quan đến động kinh: 1 bệnh nhân cho biết tần suất co giật tăng lên 1 ngày sau khi tiêm văcxin Covid-19 đầu tiên và 1bệnh nhân báo cáo sự xuất hiện của một cơn co giật mới. Không có bệnh nhân nào báo cáo trạng thái động kinh hoặc làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ đã có từ trước.

Văcxin có thể thay đổi sự chuyển hóa của thuốc trong cơ thể người. Khi tiêm chủng, một loạt các phản ứng miễn dịch đối với bệnh truyền nhiễm sẽ được tạo ra nhằm bảo vệ cơ thể chống lại sự lây nhiễm. Phản ứng miễn dịch không chỉ liên quan đến nhánh thể dịch của hệ thống miễn dịch nơi tế bào lympho B được kích hoạt để tạo ra kháng thể, mà nó còn liên quan đến nhánh tế bào của hệ thống miễn dịch do tế bào lympho T làm trung gian để sản xuất cytokine, đáng chú ý nhất là interferon-gamma. Các cytokine như interferon-gamma có thể dẫn đến giảm biểu hiện của enzym cytochrom P450 (CYP), trong đó có CYP 1A2, CYP 2C8, CYP 3A4, CYP 2B6, CYP 2E1, tuy nhiên, interferon-gamma lại không ảnh hưởng đến biểu hiện của CYP 2C9, CYP 2C19 và CYP 2C18. Do đó, tùy vào chuyển hoá của thuốc mà các nhà nghiên cứu đã đưa ra khuyến cáo về tương tác thuốc:

Thuốc kháng động kinh dễ bị tương tác với văcxin Covid-19 bao gồm: Carbamazepine, oxcarbazepine, ethosuximide, clonazepam, felbamate, tiagabine và zonisamide.

Thuốc kháng động kinh ít bị tương tác: Phenytoin (chuyển hóa 1 phần bởi CYP 2C8), phenobarbital (chuyển hóa 1 phần nhỏ bởi CYP 2E1).

Các thuốc kháng động kinh không bị tương tác: Levetiracetam, valproate natri, topiramate, vigabatrin.

ThS.BS Nguyễn Hoài Nam (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)

Theo Đời sống
back to top