Bộ Y tế Anh cho biết, 2 ca nhiễm trên và tất cả thành viên trong gia đình đang được xét nghiệm lại và được yêu cầu tự cách ly, trong khi các xét nghiệm và truy vết tiếp xúc đang được tiến hành.
Cả 2 ca nhiễm biến chủng mới ở Anh đều có liên quan với nhau và liên quan đến hoạt động đi lại từ khu vực phía nam châu Phi - nơi bùng phát biến chủng Omicron.
Theo Bộ trưởng Javid, Angola, Mozambique, Malawi và Zambia sẽ được thêm vào "danh sách đỏ" hạn chế đi lại của Anh từ 4h sáng 28/11.
Bất kỳ ai từng đến 4 quốc gia trên hoặc bất kỳ quốc gia nào khác gần đây trong "danh sách đỏ" của Anh trong vòng 10 ngày qua đều phải tự cách ly và thực hiện các xét nghiệm PCR. Danh sách này còn bao gồm Nam Phi, Botswana, Lesotho, Eswatini, Zimbabwe và Namibia.
Omicron được giới chức y tế Anh mô tả là biến chủng "đáng lo ngại nhất từng thấy". Biến chủng này lần đầu tiên được xác định ở phía nam châu Phi.
Anh và xứ Wales ngày 25/11 đã thông báo cấm các chuyến bay từ 6 quốc gia ở phía nam châu Phi trong nỗ lực ngăn chặn biến chủng mới lây lan. Ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên ở châu Âu được ghi nhận ở Bỉ vào ngày 26/11.
Cơ quan y tế bang Hesse của Đức ngày 27/11 cũng xác định ca nghi nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở nước này, là người trở về từ Nam Phi.
Hiện Đức đang giải trình tự gene đầy đủ và người bị nghi nhiễm đang được cách ly tại nhà. Chính phủ Đức kêu gọi bất kỳ ai từng đến Nam Phi trong vài tuần qua hạn chế tiếp xúc và đi xét nghiệm.
Biến chủng mới xuất hiện trong bối cảnh Đức và nhiều nước châu Âu khác đang vật lộn với sự gia tăng số ca mắc Covid-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO mới đây đã xếp Omicron vào biến chủng "đáng lo ngại" do khả năng lây nhiễm cao hơn biến chủng Delta. Các nhà chức trách Anh ngày 25/11 gọi B.1.1.529 là biến chủng "tồi tệ nhất".