Tổn thương này xuất hiện ngày càng tăng ở các mạch máu nhỏ tại não, gây ra hiện tượng đau đầu, căng thẳng, là dấu hiệu sớm của tai biến do tăng huyết áp.
Điều chỉnh huyết áp bằng chế độ ăn
Theo PGS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tim mạch học VN, ở người bình thường huyết áp dưới 120/ 80 mmHg, được gọi là tăng huyết áp khi chỉ số đo huyết áp từ trên 140/90mmHg. Huyết áp bình thường có thể thay đổi và biến thiên theo thời gian (huyết áp thấp nhất vào khoảng từ 1– 3 giờ sáng lúc đang ngủ say và huyết áp cao nhất vào khoảng từ 8– 10 giờ sáng). Những người có chứng bệnh tăng huyết áp nên đi khám, uống thuốc đều theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Chú ý thời điểm huyết áp thấp hoặc cao để có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.
Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh hoàn toàn có thể điều chỉnh huyết áp bằng chế độ dinh dưỡng như không nên ăn mặn, hạn chế uống rượu bia. Thay vì ăn thịt thì nên ăn cá vì trong cá có các loại protein làm giảm huyết áp. 1 tuần nên ăn nhiều cá hơn thịt. Đối với thịt đỏ (thịt trâu, bò, dê, ngựa), nên ăn hạn chế hoặc không ăn. Nên tăng cường ăn các loại thức ăn giàu kali như giá đỗ, chuối chín, các loại đậu, khoai sọ, ngô, khoai tây. Để hạn chế xơ vữa động mạch thì nên ăn thêm các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, vitamin PP như các loại quả chín (cam, quýt, bưởi, xoài) hoặc ăn nhiều rau (rau dền, rau ngót, rau đay, rau sam). Nên bổ sung thực phẩm giàu kali (4-5g/ngày) để giảm huyết áp. Các loại ngũ cốc, đậu hạt…chứa nhiều kali. Rau quả cung cấp nhiều kali như bông cải xanh, mồng tơi…Mỗi ngày nên ăn từ 400– 500g rau quả tươi. Rau quả còn là nguồn cung chất xơ giúp giảm hấp thu cholesterol toàn phần trong thực phẩm.
Theo các chuyên gia, người cao huyết áp nên tránh ăn các loại mỡ động vật, các loại thịt có màu đỏ vì đây là những loại thức ăn có nguy cơ làm tăng cholesterol. Lượng cholesterol dư thừa sẽ tích tụ ở thành mạch máu và màng tế bào gây ra những mảng xơ vữa ở động mạch, dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ, mỡ máu, gút. Người cao huyết áp không ăn thực phẩm đóng hộp vì chúng chứa nhiều muối, khi ăn thực phẩm này, cơ thể sẽ dư thừa natri trong máu, do đó làm tăng huyết áp. Cafein trong cà phê gây co thắt các mạch máu, làm tăng áp huyết. Sữa là thực phẩm tốt, nhưng với người tăng huyết áp nên uống sữa tách béo vì chất béo trong sữa, đặc biệt là sữa bò và dê không tốt cho sức khỏe. Nên hạn chế ăn nội tạng động vật, vì đây là thực phẩm chứa nhiều đạm, chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn nhiều so với các loại thực phẩm khác. Người cao huyết áp cũng không nên ăn nhiều đường vì đường làm tăng cả huyết áp tâm thu lẫn tâm trương. Thêm vào đó, không nên ăn các thực phẩm muối chua vì loại thực phẩm này sử dụng rất nhiều muối, không tốt cho những ai bị huyết áp cao.
Rau cần tây chống ung thư, hạ huyết áp
Để giảm huyết áp, cách đơn giản nhất, ai cũng có thể thực hiện được là sử dụng cần tây làm thực phẩm. Các bà nội trợ hay sử dụng cần tây làm salat, ăn sống và cũng có thể kèm theo các món xào. Cần tây chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp giải độc cũng như giữ cân nặng trong tầm kiểm soát. Nếu không thích ăn cần tây có thể dùng nước ép cần tây. Sau khi tập luyện thể thao nên uống một cốc nước ép cần tây vì chúng chứa nhiều natri và kali, giúp bù lại các chất điện giải bị mất trong quá trình tập luyện. Nước ép cần tây giúp ngăn chặn sự tăng trưởng các tế bào ung thư, phòng chống ung thư da, lưỡi, thực quản, gan và đại tràng. Trong cần tây có phtalides là một nhóm các hợp chất có tác dụng hạ huyết áp, giúp thư giãn cơ trong và xung quanh các động mạch.
Hà An