Những ngày hè nắng nóng này bà Nguyễn Thị Hồng (Đê La Thành, Hà Nội) thường nấu chè cho cả nhà ăn để giải nhiệt. Theo đó, bà hay nấu chè đậu đen, đậu đỏ, chè hạt sen long nhãn, chè bí đỏ… theo cách luân phiên, thay đổi.
Sau khi nấu, bà cho vào ngăn mát tủ lạnh chờ con cháu đi làm về nóng thì ăn một bát để khỏe người. Nhưng vừa qua, bà lại lo lắng khi con bà cho hay, ăn chè nhiều có thể làm tăng đường huyết gây bệnh đái tháo đường, từ đó bà không dám nấu nữa.
Theo TS.BS Phạm Thúy Hòa, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng, chè là món ăn của nhiều gia đình vào ngày hè. Trong chè có nhiều thành phần, bao gồm độ ngọt của đường nên giúp bổ sung năng lượng sau khi đi nắng nóng về. Còn các loại đậu hay long nhãn, hạt sen… giúp giải nhiệt.
Tuy nhiên, để an toàn cho sức khỏe, khi nấu chè nên cho lượng đường vừa phải, tránh ngọt quá. Với mức đường này sẽ đủ bổ sung năng lượng cho cơ thể mà chưa đến mức làm ảnh hưởng đến điều tiết đường huyết của cơ thể.
Đặc biệt, vị chuyên gia khuyên, khi nấu chè nên cho thêm một chút muối. Lúc này cốc chè không chỉ cung cấp năng lượng mà còn như nước oresol, tránh cho cơ thể tình trạng mất nước, thiếu chất điện giải vào những ngày nắng nóng, ra nhiều mồ hôi…
PV