80% người tăng huyết áp chưa được quản lý điều trị
Ngày 23/7/2020, Bộ Y tế có công văn số 3918/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về truyền thông ăn giảm muối và kiểm tra đo huyết áp cho người dân. Theo đó, tăng huyết áp (THA) là nguy cơ hàng đầu gây ra biến cố và tử vong do các bệnh tim mạch. Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người bị THA, tức là cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc. THA là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận làm cho hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm. Các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm tới 31% tổng số ca tử vong toàn quốc. Số liệu cũng cho thấy trên thế giới đa số những người tử vong do bệnh dịch Covid-19 đều có bệnh nền như THA, bệnh tim mạch hoặc các bệnh mạn tính khác.
Đặc biệt, trong 12 triệu người mắc THA ở cộng đồng thì có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được quản lý điều trị theo quy định. Vì vậy, hằng năm Bộ Y tế đều có hướng dẫn việc hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống THA 17/5”, tổ chức chương trình toàn dân đo huyết áp và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm dự phòng, phát hiện sớm tăng huyết áp và phòng, chống các bệnh tim mạch.
Để tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong dự phòng, phát hiện sớm THA và phòng, chống các bệnh tim mạch, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để dự phòng THA và các bệnh tim mạch, tập trung vào chủ đề phòng chống tác hại của thuốc lá và rượu bia, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực; Tổ chức triển khai Chương trình “Truyền thông giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống THA, bệnh tim mạch và các bệnh tật khác; tư vấn các biện pháp giảm ăn muối cho người bệnh; tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên đo kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm tăng huyết áp...
Càng ăn ít muối huyết áp càng thấp
TS Viên Văn Đoàn, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngoài các yếu tố như tuổi cao, hút thuốc lá, uống nhiều rượu/bia, ít hoạt động thể lực, béo phì, stress... thì ăn mặn là nguyên nhân quan trọng gây bệnh THA. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chỉ cần ăn giới hạn muối trong khoảng 1,5g/ngày sẽ làm giảm đáng kể huyết áp ở cả 2 nhóm người, nhóm ăn theo chế độ thông thường cũng như nhóm ăn theo chế độ kiểm soát huyết áp. Càng ăn ít muối, huyết áp càng thấp.
Nguyên nhân là do muối làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến THA. Việc ăn nhiều muối cộng thêm các yếu tố stress trong cuộc sống sẽ làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm dẫn đến tăng tái hấp thu natri ở ống thận. Ion natri vào nhiều trong tế bào của cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp.
Vì vậy, người bệnh cao huyết áp cần giảm ăn muối, hạn chế ăn các thức ăn có nhiều muối như các món mắm, muối thực phẩm để lên men, các loại thực phẩm ăn liều như giò, chả, ruốc, xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp, cá hộp…; đồ ăn vặt...
PGS.TS Nguyễn Thị Bạch Yến, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều muối (natri chlorua) thì tần suất mắc bệnh THA tăng cao rõ rệt. Người dân ở vùng biển có tỷ lệ mắc bệnh THA cao hơn nhiều so với những người ở đồng bằng và miền núi. Ở những gia đình có tiền sử THA, thói quen ăn nhiều muối ngay từ khi còn bé có nguy cơ bị tăng huyết áp khi trưởng thành. Nhiều bệnh nhân THA ở mức độ nhẹ chỉ cần ăn chế độ giảm muối là có thể hạ được huyết áp về bình thường. Chế độ ăn giảm muối là một biện pháp quan trọng để điều trị cũng như phòng bệnh THA. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu ăn nhạt < 5g muối/ngày sẽ giảm huyết áp trung bình từ 4 - 8mmHg.
Ngoài ra, chế độ ăn nhiều rau xanh (cung cấp nhiều kali) kèm với ăn ít mỡ bão hòa giúp giảm huyết áp tâm thu 8 - 14mmHg. Ăn mỗi ngày > 400g rau xanh và quả tươi sẽ giúp phòng chống THA và bệnh tim mạch.
Đặc biệt, hút một điếu thuốc lá có thể làm tăng huyết áp tâm thu lên tới 11mmHg và huyết áp tâm trương lên 9mmHg và kéo dài trong 20 - 30 phút. Vì vậy, bỏ thuốc lá cũng là biện pháp phòng bệnh THA.