Kiêng đồ lạnh: hại cơ thể
ThS Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, vào mùa đông, chức năng tiêu hóa của cơ thể rất tốt nên đây là dịp thuận lợi trong năm để bồi bổ sức khỏe. Để tăng cường sức khỏe và nhiệt lượng mùa đông nhiều người tích cực ăn đồ nóng, đồ chiên xào, đồ bổ có năng lượng cao... mà không biết đó là sai lầm.
Theo phép dưỡng sinh ẩm thực cổ truyền, mùa đông dù có tẩm bổ cũng nên tránh những đồ cao lương mỹ vị. Ăn uống thanh đạm là một trong những nguyên tắc của phép dưỡng sinh ẩm thực phương Đông trong tiết đông giá lạnh. Đặc biệt không nên ăn toàn đồ nóng, nếu có thể ăn một ít cơm nguội, rau nguội hay uống một ít nước sôi để lạnh thì không những không có hại mà còn có lợi cho sức khỏe bởi lẽ:
Theo Y học cổ truyền, cơ thể con người, dù mùa hè hay mùa đông, luôn luôn có hiện tượng “tích nhiệt”. Mùa đông khí hậu tuy lạnh, nhưng do mặc nhiều quần áo, ngủ ấm, hoạt động ít, ăn nhiều đồ có năng lượng cao... nên cơ thể càng dễ tích nhiệt mà dẫn đến tình trạng “hỏa vượng”, nhất là ở hai tạng phế và vị. Vậy nên, uống lạnh một chút, chọn dùng ở mức độ vừa phải một số thực phẩm có tính hàn như: củ cải, các loại dưa, cua, ốc... là điều rất cần thiết.
Mùa đông mọi người thích ăn những thứ nhiều dầu mỡ, nhiệt lượng cao, nhưng lại ít vận động nên dễ béo phì. Nếu ăn một chút đồ lạnh sẽ khiến cho cơ thể phải tự sưởi ấm, như thế sẽ làm tiêu hao bớt một lượng mỡ nhất định, có tác dụng phòng chống béo phì và bảo vệ sức khỏe.
Uống đủ nước phòng ngừa nhồi máu cơ tim
Nhiều người quan niệm trời lạnh không nóng nực như mùa hè, cơ thể ra ít mồ hôi, vì vậy có thể ít uống nước hoặc không uống nước cũng được. Cũng có người vì không thấy cảm giác khát nên hầu như không chú ý đến việc bổ sung nước cho cơ thể trong mùa đông. Trên thực tế, những điều đó là hết sức sai lầm.
Theo ThS Hoàng Khánh Toàn, một người khoẻ mạnh thì lượng nước chiếm 60-70% trọng lượng cơ thể với vai trò rất quan trọng trong việc duy trì mọi hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể. Nhìn bề ngoài, mùa đông tuy ít ra mồ hôi nhưng ở một người trưởng thành vẫn có chừng 600ml nước mất đi qua da. Vì tình trạng này xảy ra mà con người không biết nên được gọi là sự “bốc hơi vô hình”.
Trong quá trình hô hấp, hai lá phổi thu nạp khí oxy, thải ra CO2 phải giữ cho bề mặt ẩm ướt, mỗi ngày chỉ riêng việc này cũng làm cho cơ thể mất đi khoảng 500ml nước. Thêm nữa là việc tiêu hao nước hàng ngày qua đường tiểu tiện.
Trung bình mỗi ngày lượng nước cơ thể đào thải khoảng 2,5l, trong khi đó chỉ có khoảng 1l nước được bù đắp từ các thực phẩm ăn vào, 300ml nước có được thông qua quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Khoảng 1,2l nước còn lại nhất thiết phải nhờ vào uống nước sôi, nước giải khát, nước canh để bổ sung mới có thể bảo đảm được sự cân bằng nước trong cơ thể con người.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, mùa đông cơ thể chỉ cần mất đi 5% nước mà không được bổ sung kịp thời thì da sẽ bị nhăn nheo, cơ bắp cũng mềm yếu, trao đổi chất bị ngưng trệ, con người có cảm giác mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, váng đầu, thậm chí còn phát sinh rất nhiều bệnh tật nghiêm trọng khác. Vậy nên, để duy trì cân bằng nước trong cơ thể, mùa đông cũng cần phải uống nhiều nước.
Với người lớn mỗi ngày cần uống ít nhất 1,2l nước. Trong điều kiện thời tiết khô hanh, sưởi ấm hoặc dùng đệm nhiệt đều làm mất nước, việc tăng thêm lượng nước uống vào cơ thể là hết sức cần thiết. Tốt nhất nên chủ động uống nước, đừng để thấy khát mới uống và nên chủ động phân chia vào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và trước lúc đi ngủ.
Nước lã đun sôi là loại nước giải khát tốt nhất, nó có thể điều tiết một cách hữu hiệu sự cân bằng axit và kiềm trong cơ thể, đẩy nhanh hoạt động trao đổi chất, có lợi cho sức khoẻ con người. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, uống nước đun sôi để lạnh rất có lợi cho sức khỏe con người.
Các nhà khoa học khuyến cáo rằng, uống một cốc nước lạnh vào một giờ nhất định trong ngày là phương pháp dưỡng sinh bảo vệ sức khỏe đơn giản mà hữu hiệu nhất. Đặc biệt là vào buổi sáng, khi thức dậy uống một cốc nước sôi để nguội có thể làm tăng cường khả năng giải độc của gan và bài tiết của thận, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng cường khả năng miễn dịch, điều hòa huyết áp và phòng ngừa tích cực bệnh nhồi máu cơ tim.