Hình minh họa.
Một người đẹp phải rời cuộc thi hoa hậu vì bị phát hiện đã vi phạm quy chế cuộc thi: đã có chồng. Cô liền lên báo nói là bị người ta chơi xấu, cô chỉ là nạn nhân. Một nhạc sĩ bị tố có liên quan tới việc dàn xếp kết quả một cuộc thi, cũng nói bị người ta hại… Họ chỉ là nạn nhân? Sao mà nhiều nạn nhân thế? Và sao kịch bản lại giống nhau đến vậy?
Vấn đề là những việc đó mình có làm kia mà. Sao không thẳng thắn nhìn nhận, lỗi sai đến đâu thì nhận đến đấy. Đằng này họ giống nhau ở chỗ lỗi của mình thì không thấy, chỉ thấy lỗi của người khác, chỉ thấy người khác có lỗi với mình.
Tôi nghĩ, không chỉ đơn thuần trong giới nghệ sĩ thôi đâu, dường như đây là nét tâm lý của người Việt ta.
Khi một đứa bé bị ngã, để dỗ nó nín, người lớn sẽ đánh chừa cái nền nhà, cái sân, cái đường… vì đã làm bé ngã. Lớn lên, học hành dốt nát thì đổ cho thầy cô giáo trù giập, trường lớp chất lượng kém. Thi trượt thì đổ cho thi cử gian lận… Không xin được việc làm thì đổ cho những tiêu cực trong xã hội…
Cứ làm như đổ được lỗi cho người khác như thế thì mình trong sạch, mình vô tội, mình thanh thản hơn.
Nếu khi đứa bé ngã, người lớn cứ để cho nó khóc rồi sau đó chỉ cho nó biết vì sao mà ngã, vì đi nhanh quá, vì không chịu nhìn đường… thì lần sau nó còn biết mà tránh. Nếu khi bị điểm kém, người lớn phân tích cho nó thấy vì mải chơi điện tử, vì không chăm chỉ học hành, bị hổng kiến thức ở đâu… thì có thể nó sẽ biết đường mà cố gắng.
Còn nếu đã là lỗi của người khác, thì tức là nó vô tội, nó chả việc gì phải sửa cả.
Tất nhiên, tiêu cực trong xã hội thì lúc nào chả có, nhưng đừng nương vào đó để xí xoá đi cái lỗi của mình. Có nhìn ra lỗi lầm thì mới sửa được.
Chứ cứ tìm đủ mọi cách để bao biện, để đổ cho khách quan mà không thấy lỗi của mình thì mãi mãi không thể sửa được. Kể cả khi người ta ghét mình, tìm mọi cách chơi xấu mình, thì cũng hãy nghĩ rằng mình có lỗi vì đã để cho người ta phải ghét.
Minh Anh