ADB với các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Gần đây ADB liên tục đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại nhiều địa phương của Việt Nam. Hoạt động này đều thông qua các hợp đồng ký kết các khoản vay với các chủ đầu tư.
Nhà máy điện mặt trời Đa Mi.

Nhà máy điện mặt trời Đa Mi.

Vai trò thu xếp vốn

Mới đây Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Tín dụng xuất khẩu Úc (EFA), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Công ty Cổ phần Điện gió Liên Lập, Công ty Cổ phần Điện gió Phong Huy, Công ty Cổ phần Điện gió Phong Nguyên (đều là thành viên của Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1) đã ký kết khoản vay trị giá 173 triệu USD để xây dựng các nhà máy điện gió có tổng công suất 144MW tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Được biết, khoản vay này do ADB thu xếp và hợp vốn với vai trò là bên chủ trì sắp xếp khoản vay và người bảo lãnh chính. Các bên cho vay song song bao gồm ADB, EFA, JICA.

Trong đó, gói tài trợ của ADB bao gồm khoản vay A do ADB cấp vốn trực tiếp, khoản vay B hợp vốn từ Ngân hàng Trung Quốc hữu hạn – Chi nhánh Hong Kong, Ngân hàng Trung Quốc hữu hạn – Chi nhánh Ma Cao, Ngân hàng Société Générale – Chi nhánh Singapore và Triodos Groenfonds N.V.

Tìm hiểu cho thấy, các Nhà máy điện gió Liên Lập, Phong Huy và Phong Nguyên đều thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần xây lắp điện 1 (PCC1) và Công ty Phát triển kinh doanh toàn cầu RENOVA. Mỗi nhà máy điện gió đều có tổng vốn đầu tư 1.921 tỷ đồng, thời gian triển khai 2019 - 2021.

Tại tỉnh Lâm Đồng, mới đây Sở Công Thương tỉnh này vừa tổng hợp ý kiến của các sở ngành trong tỉnh và đề xuất UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch dự án nhà máy điện mặt trời nổi Đại Ninh vào quy hoạch điện VII điều chỉnh (hoặc quy hoạch điện VIII).

Điện mặt trời nổi Đại Ninh (đặt tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) có công suất khoảng 120MWp, sản lượng điện dự kiến khoảng 201MWh/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng. Về nguồn gốc, đây là dự án thí điểm do ADB hỗ trợ Việt Nam thông qua Bộ Công Thương, EVN.

Đây là khoản tài trợ đầu tiên của ADB cho một dự án điện gió ở Việt Nam và đã được chứng nhận là khoản vay “xanh” bởi Sáng kiến Trái phiếu khí hậu, đơn vị quản lý Chương trình tiêu chuẩn và chứng nhận Trái phiếu khí hậu quốc tế.

Đại diện ĐHĐ và ADB tại Lễ ký kết Thỏa thuận vay vốn.

Đại diện ĐHĐ và ADB tại Lễ ký kết Thỏa thuận vay vốn.

Đính kèm điều kiện cho vay

Trước đó tại tỉnh Bình Thuận, vào tháng 10/2019, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) và Ngân hàng ADB cũng công bố đã tiến hành ký kết thỏa thuận vay vốn thực hiện Dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi. Đây là khoản vay vốn quốc tế lần đầu tiên ĐHĐ không cần bảo lãnh của Chính phủ, không cần bảo lãnh của EVN.

Thỏa thuận vay vốn có giá trị 37 triệu USD, chiếm 70% tổng mức đầu tư của Dự án. Khoản vay này dùng để giải ngân cho các gói thầu cung cấp thiết bị và xây dựng đường dây 110 kV của Dự án.

Khoản vay 37 triệu USD bao gồm 4 phần: Khoản vay thương mại của ADB là 17,6 triệu USD, khoản vay từ Quỹ biến đổi khí hậu Canada cho khu vực tư nhân ở châu Á là 15 triệu USD và khoản vay từ Quỹ Cơ sở Hạ tầng Khu vực tư nhân Hàng đầu châu Á (LEAP) được hỗ trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 4,4 triệu USD.

Dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi được xây dựng tại xã La Ngâu huyện Tánh Linh và xã Đa Mi, xã La Dạ huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Dự án có công suất 47,5MWp được kết nối từ 6 mảng pin mặt trời với tổng cộng 143.940 tấm pin được lắp đặt trên hệ thống phao nổi trên mặt hồ thủy điện Đa Mi.

Được bắt đầu khởi công xây dựng và lắp đặt từ tháng 8/2018, Nhà máy điện mặt trời Đa Mi đã chính thức vận hành thương mại vào ngày 1/6/2019, vượt tiến độ 1 tháng so với kế hoạch.

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, khoản vay của Công ty ĐHĐ từ Ngân hàng ADB được xếp vào khoản vay dài hạn, năm đáo hạn là 2034 với lãi suất năm là lãi suất thả nổi, số dư tới thời điểm ngày 31/12/2020 là 793,652 tỷ đồng.

Theo hợp đồng được ký kết giữa hai bên vào ngày 26/9/2019, khoản vay này được sử dụng để tài trợ cho dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi. Đối với phần dư nợ 173,113 tỷ đồng (tương đương 7.464.996USD) chịu lãi suất thả nổi bằng LIBOR + biên độ lãi suất 3,65%/năm. Đối với phần dư nợ khoảng 285,112 tỷ đồng (tương đương 12.294.643USD) chịu lãi suất bằng chi phí hoán đổi lãi suất cố định + biên độ lãi suất 3,65%. Thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn được tính từ ngày giải ngân đầu tiên (ngày 23/12/2019) đến kỳ trả nợ đầu tiên (ngày 15/9/2020).

Nợ gốc và lãi vay sẽ được trả mỗi năm hai lần vào ngày 15/3 và ngày 15/9 hằng năm. Khoản vay này được đảm bảo bằng các tài khoản tiền gửi của Công ty ĐHĐ tại Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh Bảo Lộc và tài sản cố định là tấm pin mặt trời, máy biến tần và trạm biến áp của dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi.

Một điều khá đặc biệt khác là, theo thỏa thuận vay vốn đã ký kết, ngoài các nội dung nhằm giảm thiểu tác động của Dự án đến môi trường xung quanh, ADB còn yêu cầu Công ty ĐHĐ phải lắp đặt thiết bị bảo vệ chim trời.

Thiết bị bảo vệ chim trời được lắp đặt tại Dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi gồm chong chóng gió và tấm che chuỗi sứ treo. Đây là một yêu cầu hoàn toàn mới đối với các dự án xây dựng lưới điện ở Việt Nam và không có trong thiết kế kỹ thuật.

Được biết, quy định hiện hành và các tổ chức cho vay thường yêu cầu chủ đầu tư phải chọn lựa các thiết bị cho dự án phát điện, năng lượng tái tạo có xuất xứ từ các nước G7. Tuy nhiên, một nguồn tin chính thức cho biết, hiện phần nhiều các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam thường sử dụng thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc và cũng thuê luôn lao động Trung Quốc thực hiện vai trò tổng thầu EPC, hoặc thầu các phần việc chủ chốt. 

Vấn đề lao động Trung Quốc và thiết bị Trung Quốc tại các dự án năng lượng tái tạo được đầu tư một cách vô cùng đắt đỏ tại Việt Nam đang như thế nào sẽ là nội dung các bài viết tiếp theo của KH&ĐS.

Theo Đời sống
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
back to top