Năng lượng tái tạo: Ồ ạt đầu tư, rầm rộ mua bán

(khoahocdoisong.vn) - Vài năm trở lại đây hàng loạt doanh nghiệp trái ngành đổ xô đầu tư các dự án năng lượng tái tạo. Kèm theo đó là hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) cũng sôi động hơn bao giờ hết. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này, nhưng cũng có những cảnh báo quá tải lưới điện, dư thừa điện năng cục bộ.

Ồ ạt đầu tư

Tháng 6/2020, Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung vào quy hoạch điện VII gần 7.000MW điện gió của 91 dự án. Trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ được bổ sung 16 dự án với tổng công suất 941,2MW. Riêng Quảng Trị là 14 dự án, Quảng Bình có 1 dự án và Hà Tĩnh một dự án.

Khu vực Nam Trung Bộ có 9 dự án được bổ sung, đều tập trung tại tỉnh Ninh Thuận với tổng công suất 336,2MW. Khu vực Tây Nguyên với 28 dự án, tổng công suất 2.432,9MW, tập trung tại các tỉnh Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai và Đăk Nông.

Khu vực Tây Nam Bộ với 37 dự án, tổng công suất 3.166,8MW, phân bổ tại Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang... Riêng khu vực Đông Nam Bộ chỉ có 1 dự án 102,6MW tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tất nhiên, các dự án điện gió được bổ sung vào quy hoạch điện đều căn cứ trên sự đề xuất của Bộ Công Thương, của các địa phương và báo cáo từ Tập đoàn Điện lực EVN về tình hình điện năng.

Một báo cáo của Bộ Công Thương toát nên sự cần thiết phải bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch điện cho biết, “việc đáp ứng nhu cầu điện trong giai đoạn này sẽ gặp khó khăn, có khả năng xảy ra thiếu điện (dự báo năm 2023 có thể thiếu tới trên 13 tỷ kwh trong khi đã phải phát gần 11 tỷ kwh) nếu không triển khai ngay một số giải pháp như đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), tăng cường mua điện từ các nước trong khu vực”. Đây cũng là một trong những lý do để thuyết phục Chính phủ đưa loạt dự án bổ sung vào quy hoạch.

Thực tế, sau “chốt” danh sách bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch điện thì nhiều địa phương nhanh chóng chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án. Đơn cử như, những tháng cuối năm 2020 UBND tỉnh Quảng Trị liên tiếp ký nhiều quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió gồm: LIG Hướng Hoá 1; LIG Hướng Hoá 2; Hướng Linh 7; Hướng Linh 8 và Hoàng Hải; TNC Quảng Trị 1, TNC Quảng Trị 2.

Hay tháng 8/2020, UBND tỉnh Gia Lai đã ký các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió Cửu An, dự án Nhà máy điện gió Song An, dự án nhà máy điện gió Cho Long, nhà máy điện gió Yang Trung, nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai, Ia Le 1, Nhơn Hoà 1, Nhơn Hoà 2, Ia Pech 2, Ia Pết – Đăk Đoa 2.

Tại tỉnh Đăk Nông sau khi được bổ sung vào quy hoạch điện tỉnh này cũng nhanh chóng chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy điện gió Đăk ND’rung 1, Đăk ND’rung 2, Đăk ND’rung 3, Nam Bình 1.

Tại tỉnh Bạc Liêu cũng chấp thuận chủ trương dự án nhà máy điện gió: Đông Hải 1 – Giai đoạn 2, Hoà Bình 5 – giai đoạn 1. Tại Quảng Bình tháng 3/2021 tỉnh này cũng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án trang trại điện gió BT1.

Đến nay, dự án điện gió tại nhiều tỉnh vượt qua giai đoạn chuẩn bị đã được khởi công để triển khai.

Về tổng thể, vài năm gần đây, nhiều nhà đầu tư đang đổ xô đầu tư điện gió, thậm chí nhiều doanh nghiệp từ bất động sản hoặc ngành nghề kinh doanh khác cũng nắm bắt cơ hội, để “bẻ lái” bén duyên với điện gió. Điều này không quá khó hiểu. Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều cơ chế hấp dẫn khuyến khích nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Và pháp luật cũng không cấm việc chuyển nhượng dự án nếu tuân thủ đúng quy định. Chính vì vậy, nhiều dự án đã được “sang tay” cho nhà đầu tư nước ngoài.

Những năm gần đây hàng loạt doanh nghiệp đã chuyển hướng sang đầu tư điện gió.

Những năm gần đây hàng loạt doanh nghiệp đã chuyển hướng sang đầu tư điện gió.

Dư thừa điện năng, quá tải lưới điện

Tháng 3/2021 vừa qua chính Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Văn phòng Chính phủ thông tin rằng: Thời gian vừa qua, sự phát triển nhanh với quy mô công suất lớn của các nguồn điện năng lượng tái tạo đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền và hệ thống điện dư thừa công suất phát so với nhu cầu phụ tải trong một số thời điểm, tình huống cụ thể.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng thấp, dẫn tới trong một số tình huống trong thời gian thấp điểm của hệ thống như các dịp lễ, Tết, ngày cuối tuần hoặc thấp điểm trưa hằng ngày hệ thống điện dư thừa công suất phát so với phụ tải tiêu thụ.

Theo Bộ Công Thương, đây là các tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao (thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn bộ hệ thống điện quốc gia) nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác.

Mặc dù Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia (A0) đã thực hiện giảm phát các nguồn năng lượng truyền thống đến giới hạn kỹ thuật với cấu hình tối thiểu nhưng hệ thống điện vẫn dư thừa công suất, do đó A0 bắt buộc phải cắt giảm tiếp các nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo giữ tần số hệ thống điện trong giới hạn kỹ thuật cho phép, tránh sụp đổ hệ thống điện, gây tổn thất nghiêm trọng tới toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh tế và đời sông nhân dân trên cả nước.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và A0 về vấn đề cấp bách. Trong đó, yêu cầu EVN và A0 tính toán, công bố mức điều tiết giảm công suất huy động của các nhà máy điện, chỉ huy thực hiện, phù hợp với cơ cấu nguồn điện đang phát, công suất truyền tải giữa các vùng/miền, mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết… tại thời điểm phải điều tiết giảm, tuân thủ theo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, thực hiện đồng đều giữa các loại hình, không phân biệt đó là các loại hình nguồn điện phải có giấy phép hoạt động điện lực hay được miễn trừ.

Bộ Công Thương cho rằng, việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện, việc tiết giảm được EVN/A0 tính toán, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng cho tất cả các nhà máy mà không phân biệt chủ đầu tư.

Nên nhớ rằng, khi đồng ý phê duyệt bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch điện Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm toàn diện về các dự án điện gió và lưới điện đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; bảo đảm đồng bộ giữa nguồn điện với lưới điện, không để xảy ra tình trạng quá tải lưới khi đưa vào vận hành và chỉ đạo kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm khi thực hiện các dự án.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top