Sáng 17/6, lô vaccine Covid-19 gồm 800.000 liều đã được chuyển tới TP.HCM. Đồng thời, Ban Chỉ đạo tiêm chủng Quốc gia cũng yêu cầu ngành y tế TP.HCM xây dựng kế hoạch tiêm chủng (trong thời gian 5-7 ngày). Kế hoạch cần cụ thể về phân bổ số lượng, đối tượng, lịch tiêm chủng, kế hoạch đảm bảo an toàn, ứng trực cấp cứu…
Về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trước đó, ngành y tế đã xây dựng các kế hoạch triển khai tiêm chủng với nhiều kịch bản khác nhau, dựa trên số lượng vaccine được phân bổ.
Đối với kế hoạch tiêm chủng 800.000 liều, ngoài các trường hợp ưu tiên theo Nghị quyết 21, thành phố dự kiến thực hiện tiêm chủng cho người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… với số lượng khoảng 1 triệu người.
Vaccine Covid-19 của AstraZeneca là loại đầu tiên được tiêm chủng tại Việt Nam. Ảnh: Chí Hùng. |
Thành phố dự kiến tổ chức các điểm tiêm chủng trong cộng đồng tại trung tâm y tế, trạm y tế, các điểm tiêm lưu động với khoảng 1.000 điểm tiêm/ngày. Mỗi điểm có thể thực hiện tiêm chủng cho 200 người/ngày. Tổng công suất đạt mức 200.000 người/ngày.
TP.HCM sẽ huy động tổng lực từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện đa khoa thành phố, quận, huyện; bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế, trạm y tế… để đáp ứng quy mô, tiến độ đã đề ra.
Sáng 17/6, theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, thành phố đang triển khai đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 thứ 3, bắt đầu từ ngày 3/6. Trong vòng 24 giờ qua, 6.064 người được tiêm (2.192 người tiêm mũi 1; 3.872 người tiêm mũi 2).
Như vậy, tính từ ngày 3/6 đến nay, thành phố đã tiêm cho 18.200 người, trong đó, số người tiêm mũi 1 là 13.450 người; mũi 2 là 4.750 người. Các trường hợp có phản ứng sau tiêm được theo dõi, tất cả đều ổn định.