Không liên quan đến công nghệ
Văcxin Covid-19 của AstraZeneca do Đại học Oxford và Hãng dược AstraZeneca (Anh) đồng phát triển, văcxin này đã được cấp phép ở 44 quốc gia và vùng lãnh thổ. Văcxin của AstraZeneca dựa trên nền tảng vector virus. So với những văcxin dựa trên công nghệ mRNA, những văcxin sử dụng công nghệ vector virus có lợi thế ở chỗ có thể vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C, do đó, dễ vận chuyển và phân phối ở các nước đang phát triển.
Trong các thử nghiệm lâm sàng được sử dụng để đánh giá văcxin, 38% số người được tiêm đã báo cáo ít nhất một tác dụng phụ, chủ yếu là đau tại vị trí tiêm, nhức đầu hoặc sốt nhẹ. Các tác dụng phụ tương tự cũng xuất hiện ở 28% những người trong nhóm được tiêm giả dược. Vào tháng 3/2021, một số quốc gia châu Âu đã tạm dừng tiêm văcxin này do xuất hiện một số trường hợp đông máu xảy ra sau khi tiêm. Tuy nhiên, rất sớm sau đó, các nước này lại tiếp tục tiêm văcxin của AstraZeneca, sau khi Cơ quan Thuốc châu Âu (EMA) kết luận văcxin này “an toàn và hiệu quả”.
Về tỷ lệ phản ứng phụ sau tiêm văcxin như sốt, đau nhức chỗ tiêm, mệt mỏi… ở rất nhiều người, một số ý kiến đặt câu hỏi phải chăng do công nghệ sản xuất văcxin hay do chất lượng của văcxin? PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, AstraZeneca có chung công nghệ với văcxin của Johnson & Johnson's của Mỹ hay Sputnik-V của Nga là vector virus.
Văcxin phòng Covid-19 của AstraZeneca được sản xuất theo theo cơ chế vector, tức là văcxin sử dụng virus adeno mất khả năng sao chép của tinh tinh, dựa trên phiên bản suy yếu của virus adeno (virus cúm gây bệnh ở tinh tinh), có chứa vật chất di truyền là protein gai bề mặt của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 có tên là Spike hoặc S. protein. Sau khi tiêm văcxin, protein gai bề mặt được sản xuất, hệ thống miễn dịch tiếp tục tạo ra các tế bào ghi nhớ. Những tế bào này sẽ phát hiện ra virus SARS-CoV-2 nếu loại virus này tấn công cơ thể trong tương lai, bằng cách nhận ra protein tăng đột biến trên bề mặt của virus. Nếu các tế bào miễn dịch đi qua virus SARS-CoV-2 trong cơ thể, chúng sẽ sản xuất ra nhiều kháng thể và tế bào T rất nhanh, điều này ngăn chặn virus lây lan và làm giảm biến chứng, nguy hiểm do bệnh Covid-19 gây ra.
Đau, sốt chứng tỏ đáp ứng miễn dịch tốt
Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, không thể nói tác dụng phụ của văcxin là do công nghệ hay do chất lượng sản xuất mà phải hiểu tác dụng phụ là điều cần thiết khi tiêm văcxin. Tác dụng phụ này không liên quan đến công nghệ sản xuất cũng như chất lượng của văcxin.
Hiện thế giới đã sử dụng hàng trăm triệu liều văcxin AstraZeneca, hiệu quả của văcxin đã được chứng minh rõ ràng. Phản ứng phụ sau tiêm của các loại văcxin là khác nhau dựa trên quy trình sản xuất khác nhau của từng hãng. Có thể cùng một công nghệ, nhưng mỗi đơn vị sử dụng chất bổ sung tăng cường miễn dịch khác nhau cũng gây ra những phản ứng khác nhau. Sau khi tiêm, phản ứng sốt, đau nhức đầu, mệt mỏi là do cơ thể phản ứng miễn dịch với các protein lạ là chuyện bình thường. Không có phản ứng miễn dịch này có khi lại không tốt. Do vậy, những người bị phản ứng sau tiêm văcxin nên coi đây là điều bình thường.
Về thông tin nhiều người nghĩ rằng văcxin AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ thấp hơn nên chờ Việt Nam nhập khẩu các loại văcxin khác có hiệu lực bảo vệ cao hơn mới tiêm, PGS.TS Đinh Duy Kháng cho rằng, điều này không có cơ sở. Tiêm văcxin càng sớm thì nguy cơ mắc Covid-19 càng thấp, nhất là trong những giai đoạn dịch bùng phát mạnh mẽ. Về hiệu lực bảo vệ, tùy loại văcxin và công nghệ sản xuất, với văcxin AstraZeneca, sau khi tiêm mũi đầu tiên, khả năng miễn dịch của người tiêm sẽ đạt khoảng 61 - 67%, sau mũi thứ 2 đạt khoảng 81%. Tất nhiên, có những loại văcxin có hiệu lực bảo vệ cao hơn, song điều quan trọng là tính an toàn của văcxin đã được đảm bảo thì lựa chọn loại nào cũng tốt. Tiêm văcxin là cách duy nhất để đẩy lùi dịch bệnh, khi số người tiêm đủ lớn sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng, từ đó đẩy lùi Covid-19.
Đến nay, Việt Nam đã nhận khoảng 1,5 triệu liều văcxin AstraZeneca qua nguồn nhập khẩu và sáng kiến COVAX. Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ mua 30 triệu liều văcxin AstraZeneca, do Công ty VNVC nhập khẩu và phân phối.