Huyết áp tụt thấp, nguy hiểm tăng cao
Chị Đỗ Thị H. (35 tuổi, Hà Nội) thường xuyên thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, thường có cảm giác như say tàu xe, người chông chênh rất khó chịu… Nguyên nhân là do huyết áp của chị luôn dao động mức 80/55, 90/57mmHg… và được bác sĩ kết luận huyết áp thấp.
Bị bệnh lâu nên càng ngày chị càng chủ quan cho rằng, huyết áp không nhiều nguy hiểm nên cũng không điều trị. Một hôm, đang làm việc thì chị bị choáng, ngất. Khi cấp cứu vào bệnh viện bác sĩ kết luận chị bị tai biến mạch máu do huyết áp tụt gây ra.
GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, với người bình thường, trị số huyết áp thường là 120/80mmHg. Nếu trị số huyết áp dưới 100/60mmHg được cho là mắc bệnh huyết áp thấp.
Huyết áp thấp không chỉ khiến người bệnh có sức khỏe yếu, làm việc kém hiệu quả mà còn gây ra những biến chứng nguy hiểm không kém so với huyết áp cao. Đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng tới não bộ và thần kinh. Bởi khi người bệnh bị tụt huyết áp nhiều lần, chức năng hệ thống thần kinh sẽ suy giảm, đồng thời, cơ thể cũng không điều chỉnh kịp thời để cung cấp dinh dưỡng đến các cơ quan như não, tim, thận... gây tổn thương tới cơ quan này.
Hơn nữa, huyết áp thấp khiến các cơ quan bị thiếu máu trong thời gian dài. Não bộ bị thiếu máu nuôi dưỡng, các tế bào thần kinh không được nuôi dưỡng đầy đủ lâu dần sẽ gây nên suy giảm chức năng hệ thần kinh, suy giảm trí nhớ. Những người có mức huyết áp thấp kéo dài liên tục sẽ có khả năng mất trí nhớ cao hơn người bình thường.
Huyết áp quá thấp cũng có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng váng và ngất. Đây là hậu quả khá phổ biến, khi huyết áp giảm đột ngột, não bộ không kịp thích nghi với tình trạng thiếu oxy bất ngờ.
Đặc biệt, huyết áp thấp là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não tương tự như huyết áp cao (tỷ lệ này chiếm khoảng 10 - 15%). Trong 30% số người bị nhồi máu não là 25% số người bị nhồi máu cơ tim do huyết áp thấp. Đặc biệt, huyết áp thấp tồi tệ nhất có thể dẫn đến sốc, tình trạng nguy kịch đến tính mạng khi mà huyết áp thấp duy trì lâu.
Cẩn thận sau tiêm văcxin và mắc Covid-19
GS.TS Phạm Gia Khải cảnh báo, sau tiêm văcxin phòng Covid-19 và đặc biệt sau mắc Covid-19, mọi người nên chú ý tới tình trạng huyết áp của mình. Khi huyết áp tụt quá thấp sau tiêm văcxin phòng Covid-19 được coi như là sốc phản vệ và phải xử lý theo tình huống sốc phản vệ. Còn huyết áp thấp sau mắc Covid-19 cũng phải được thăm khám và điều trị để tránh các biến chứng đáng tiếc.
Theo GS.TS Phạm Gia Khải, gần đây, có đến 5 - 7% người trưởng thành bị huyết áp thấp và đang gia tăng cả ở người trẻ.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ, phổ biến ở lứa tuổi dậy thì, sau khi sinh con và thời kỳ mãn kinh, những phụ nữ làm việc quá sức, stress, mất ngủ, cơ thể thiếu chất do giảm cân hoặc ăn uống kém, không đầy đủ dẫn tới thiếu hụt...
Nguyên nhân dẫn tới huyết áp thấp là do mắc các bệnh lý về tim mạch như rối loạn nhịp tim, hở van tim, suy tim... Hoặc mắc các bệnh nội tiết như suy tuyến giáp, bệnh tiểu đường, bệnh gan... Huyết áp thấp do người bệnh sử dụng các thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị bệnh Parkinson, thuốc chẹn beta, thuốc chống trầm cảm, thuốc gây tê, gây mê... Điều đáng nói, hiện nay, sự hiểu biết của bệnh nhân về huyết áp thấp còn rất ít. Các nghiên cứu cho thấy, hơn 70% bệnh nhân không biết mình bị huyết áp thấp, hơn 80% bệnh nhân bỏ qua những triệu chứng của bệnh.
Đặc biệt, nguy hiểm khi huyết áp tụt đột ngột hoặc đi kèm với những dấu hiệu và triệu chứng như choáng váng, chóng mặt, xỉu ngất, khó tập trung, mờ mắt, buồn nôn, lạnh, ra mồ hồi, da tái, thở nhanh, thở nông, mỏi mệt, trầm cảm, khát nước rất nhiều...
Trong tình trạng trên nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời, bệnh huyết áp thấp có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận…nguy hiểm đến tính mạng.
PGS.TS Nguyễn Đức Hải, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cảnh báo, không giống như tăng huyết áp, huyết áp thấp không phải là một bệnh, mà đó chỉ là một trạng thái huyết áp, một triệu chứng gặp trong rất nhiều trường hợp.
Chính vì vậy, phương pháp điều trị phải tùy thuộc vào bệnh lý chính gây ra huyết áp thấp. Ví dụ, trong trường hợp dùng quá liều các thuộc hạ huyết áp thì phải điều chỉnh lại thuốc và liều lượng; huyết áp thấp do các bệnh nội tiết thì phải điều trị các bệnh nội tiết; nếu do mất nước và điện giải (trong các trường hợp tiêu chảy; nôn mửa…) thì phải bổ sung đầy đủ nước và điện giải kết hợp với dùng các thuốc nâng huyết áp.
Đã có trường hợp tưởng mình bị huyết áp thấp và uống thuốc nâng huyết áp dẫn tới tai họa khôn lường. Vì vậy, cần phải đi khám toàn diện để phát hiện các bệnh lý gây nên triệu chứng này và điều trị kịp thời. Tránh uống các thuốc nâng huyết áp thường xuyên và kéo dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ bất lợi.
Để phòng ngừa tai biến khi bị huyết áp thấp, người bệnh không nên thức khuya, giữ ấm khi ngủ, không ra ngoài trời nắng gắt, muốn đổi tư thế cần vận động từng bước một, không trèo cao, duy trì vận động nhẹ nhàng vừa phải như đi bộ, khi ngủ cần gối thấp. Đặc biệt, người từ 50 tuổi trở lên cần theo dõi huyết áp thường xuyên bởi họ rất dễ có nguy cơ chuyển từ huyết áp thấp thành tăng huyết áp.
Khi bị huyết áp thấp, người bệnh cần ăn nhiều bữa trong ngày (từ 4 - 5 bữa) với các loại thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa giúp tăng huyết áp. Uống thêm cà phê, nước chè xanh đặc với bánh quy, 1 - 2 miếng bánh mỳ với bơ hoặc pho mát cũng rất có lợi cho việc nâng huyết áp và sức khỏe. Hạn chế rượu, bia, đồ uống có cồn, mướp đắng, lòng trắng trứng gà, nước cam, khoai lang tím, tảo biển, ớt, quả kiwi… là những thực phẩm gây hạ huyết áp.
Người có huyết áp thấp nếu có biểu hiện bị hoa mắt, chóng mặt, choáng váng... hãy đến các cơ sở y tế để kiểm tra kịp thời.