Huyết áp thấp là một bệnh lý tim mạch, được xác định khi chỉ số huyết áp dưới 90/60mmHg, trong đó, huyết áp tâm thu < 90mmHg hoặc huyết áp tâm trương < 60mmHg. Nhiều người lầm tưởng huyết áp thấp không nguy hiểm bằng huyết áp cao. Nhưng thực tế, bệnh huyết áp thấp để lại những triệu chứng và hậu quả nghiêm trọng như:
Cảm giác hoa mắt hoặc chóng mặt: Xuất hiện khi thay đổi tư thế đột ngột ví dụ như đứng dậy sau khi ngồi quá lâu, hoặc khi vừa ngủ dậy. Lúc này, người bệnh cảm thấy mọi vật đang xoay và không kiểm soát được.
Đau đầu dữ dội hoặc mê sảng: Khi não làm việc căng thẳng và hoạt động thể lực nặng thì cơn đau đầu càng tăng lên. Mức độ và tính chất cơn đau ở mỗi người là khác nhau, thường đau nặng hơn ở vùng đỉnh đầu.
Ngất: Khi huyết áp hạ quá mức nghiêm trọng bệnh nhân có thể sẽ có triệu chứng ngất nếu không can thiệp kịp thời có thể rơi vào cơn ngất đột ngột và gây ra những chấn thương nghiêm trọng khác.
Ngoài ra, huyết áp thấp làm cho máu không đủ cung cấp đến não, dẫn tới tế bào não không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng, gây ra tình trạng giảm khả năng tập trung ở người bệnh; Da lạnh và nhợt nhạt, mắt mờ, mất thính giác, mệt mỏi, buồn nôn, nhịp tim nhanh, thở nhanh, nông...
Khi bị huyết áp thấp cần thực hiện chế độ dinh dưỡng:
- Nên ăn mặn hơn người bình thường. Lượng muối nên ăn khoảng 10 - 15g/ngày ở những người bệnh huyết áp thấp.
- Ăn nhiều chất dinh dưỡng. Đặc biệt với những người gầy, nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng để cân nặng ổn định.
- Bổ sung chất đạm như thịt, cá trong mỗi bữa ăn. Tăng cường ăn trứng, đậu tương và rau quả để bổ sung vitamin, chất xơ và chất khoáng. Nên ăn nhiều bữa nhỏ để dễ tiêu. Uống các loại nước có tác dụng nâng huyết áp như trà sâm, trà gừng, trà đặc, cà phê.
- Không nên sử dụng những loại thức ăn lợi tiểu ví dụ như râu ngô, rau cải, dưa hấu, bí ngô...
Những người bị huyết áp thấp chưa rõ nguyên nhân thì không nên bồi bổ. Sau khi đã chẩn đoán chính xác, bệnh tình ổn định mới nên tiến hành bồi bổ:
Trứng, nhung hươu: Bột nhung hươu 0,3g, trứng gà 1 quả. Cho bột nhung hươu vào trong trứng gà, hấp chín ăn. Ăn một quả trứng gà, nhung hươu vào sáng sớm ngủ dậy, ăn liên tục 15 – 20 ngày.
Canh song tiện tráng dương: Cẩu kỷ tử, thố ty tử (dây tơ hồng), cầu tiên mỗi loại 10g, nhục thung dung 6g, ngưu tiên, thịt cừu mỗi loại 100g, thịt gà mái 50g. Cho cẩu tiên, ngưu tiên, thịt cừu vào nồi nước đun sôi, hớt bỏ bọt. Cho ớt bột, gừng già, rượu và thịt gà gà mái vào tiếp tục đun sôi, hạ lửa nhỏ hầm cho chín đến 6 phần. Lọc bỏ ớt bột và gừng trong canh, tiếp tục đặt lên bếp, thuốc Đông y cho vào túi buộc miệng lại cho vào trong nồi canh, tiếp tục hầm cho chín nhừ, vớt bỏ túi thuốc, cho muối, mì chính, ăn thịt uống canh.
Canh phục nguyên: Sơn dược 50g, nhục thung dung 20g, thố ty tử 10g, đào nhân 2 quả, thịt cừu nạc 500g, xương sống cừu 1 chiếc, gạo tẻ 100g. Thuốc Đông y cho vào túi buộc miệng lại, xương cừu chặt thành mấy đoạn, thịt cừu rửa sạch cho cùng với gạo vào trong nồi đất, cho nước sạch vào, lửa to đun sôi, sau đó hạ lửa nhỏ, đun cho thịt nhừ, cho gia vị vừa ăn.
Thịt hầm mộc nhĩ trắng: Mộc nhĩ trắng 15g (mộc nhĩ trắng ngâm 1 đêm cho nở ra rồi mới dùng), thịt lợn nạc 50g, hồng táo 10 quả, cho nước vào nấu cùng cho chín ăn.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)