Đại án Việt Á, chuyến bay giải cứu, vụ án AIC – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai…là những đại án tham nhũng khiến dư luận phẫn nộ năm 2022 khi nhiều “quan chức” xộ khám.
chia sẻ
Đại án Việt Á: Năm 2022, mở rộng điều tra vụ án Việt Á, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Công an các tỉnh thành đã khởi tố gần 100 bị can. Trong đó, có 3 cựu Ủy viên Trung ương Đảng gồm cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cùng hàng loạt cán bộ Bộ Y tế, Khoa học Công nghệ, Học viện Quân Y, lãnh đạo cấp sở, Giám đốc CDC một số tỉnh, thành cùng nhiều nhân viên y tế.
Đại án Việt Á thu hút sự quan tâm của dư luận từ tháng 12/2021 khi Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) cùng 4 cấp dưới và cựu Giám đốc CDC Hải Dương và kế toán trưởng đơn vị này.
Kết quả điều tra, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID của các địa phương và việc sản phẩm kit test COVID thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị trên hợp thức hóa hồ sơ chỉ định thầu để hoàn thiện các giấy tờ, hợp đồng, thanh quyết toán cho Việt Á theo giá công ty đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Từ tháng 2/2020 tới tháng 12/2021, Công ty Việt Á đã cung cấp hàng triệu kit test cho các bộ, ngành Trung ương, các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và đối tác ở hơn 60 tỉnh, thành với doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng. Để có được các gói thầu mua sắm kit test, sinh phẩm, hóa chất phục vụ chống dịch tại các địa phương, Phan Quốc Việt thông đồng, móc nối và chi “hoa hồng”, “lại quả” cho nhiều cá nhân, đơn vị. Số tiền “lại quả” mà Việt khai với cơ quan công an là 800 tỷ đồng. Đến nay, Cơ quan điều tra cũng đã áp dụng các biện pháp phong tỏa, ngăn chặn tài khoản giao dịch, sổ tiết kiệm, kê biên tài sản và tạm giữ số tiền mà một số bị can trả lại, nộp cho cơ quan điều tra là 1.700 tỷ đồng.
Vụ án “chuyến bay giải cứu”: Đây cũng là một trong 2 đại án gây chấn động dư luận liên quan dịch COVID-19. Đến nay đã có 32 bị can bị khởi tố, trong đó có nhiều quan chức bị khởi tố tội nhận hối lộ như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; loạt cán bộ Cục Lãnh sự; ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý phó Thủ tướng; Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ; các cán bộ, nguyên cán bộ tại các lãnh sự quán Việt Nam ở Osaka (Nhật Bản), Angola, Nga…
Đầu tháng 12/2021, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các cơ quan chức năng trong và ngoài nước đã tổ chức hơn 2.000 chuyến bay, đưa gần 240.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Tại cuộc họp báo hồi cuối tháng 6/2022, Người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, với gần 2.000 chuyến bay giải cứu người Việt từ nước ngoài trong chiến dịch "giải cứu", sau khi trừ các chi phí, mỗi chuyến bay các bị can thu lợi bất chính hàng tỷ đồng, số tiền đưa, nhận hối lộ trong vụ án lên đến hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn USD.
Vụ án AIC, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai: Ngày 19/10, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Đinh Quốc Thái - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và ông Trần Đình Thành - cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai để điều tra về tội nhận hối lộ liên quan vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) . Trước đó, ngày 29/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Đến nay, đã có 36 bị can bị VKSND Tối cao truy tố với nhiều tội danh khác nhau.
Điều tra cho thấy, năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, do có quan hệ quen biết, Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp và nhờ Trần Đình Thành - Bí thư Tỉnh ủy mời lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành ăn trưa để giới thiệu Công ty AIC và nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện cho công ty tham gia các dự án của tỉnh. Sau đó, Nhàn đã nhiều lần gặp gỡ Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái (khi đang là Phó Chủ tịch tỉnh), Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.
Năm 2010, khi Bệnh viện Đồng Nai chuẩn bị thực hiện thủ tục bổ sung vốn đầu tư thiết bị y tế chuyên môn vào dự án, Bồ Ngọc Thu báo cáo Trần Đình Thành về khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư thiết bị thì Trần Đình Thành điện thoại cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn đề nghị Nhàn giúp tỉnh Đồng Nai xin vốn Trung ương hỗ trợ cho Dự án và được Nhàn đồng ý.
Cáo trạng xác định, để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chi tiền hối lộ cho Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỷ đồng, là hành vi trái pháp luật, phạm vào tội “Đưa hối lộ”. Trong đó cựu Bí thư Đồng Nai - Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch Đồng Nai - Đinh Quốc Thái mỗi người đã nhận 14,5 tỷ đồng từ bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn để tác động, tạo điều kiện cho AIC trúng thầu 12 gói thầu có tổng giá trị 476 tỷ đồng.
Đây là các gói thầu trong dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt với tổng mức đầu tư 1.904 tỷ đồng. Sau khi trúng thầu, giá các gói thầu cũng bị "nâng khống" gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Vụ án Tân Hoàng Minh: Ngày 5/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 6 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Ông Đỗ Anh Dũng cùng đồng phạm đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ của hơn 6.000 nhà đầu tư.
Vụ án Vạn Thịnh Phát: Ngày 7/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 3 bị can đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", để điều tra về những sai phạm tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Trương Mỹ Lan cùng các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 - 2019. Đến nay, có 14 bị can, cá nhân được xác định có liên quan đến vụ án.
Vụ án cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thao túng giá cổ phiếu: Ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC. Sau đó, cơ quan chức năng tiếp tục khởi tố bà Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga (2 em gái ông Quyết) cùng 2 cựu lãnh đạo FLC là Hương Trần Kiều Dung và Nguyễn Quỳnh Anh để làm rõ vai trò đồng phạm giúp sức cho bị can Quyết.
Từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1/2022, ông Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức. Các tài khoản này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất lớn. Mục đích nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá trần cao nhất 24.050 đồng/cổ phiếu (trung bình là 22.586 đồng/cổ phiếu, tăng 64%). Sau đó ông Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng 530 tỷ đồng.
Ngày 25/8, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái và một cựu lãnh đạo tập đoàn này bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bổ sung về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Từ 2014-2016, ông Quyết cùng 2 em gái Thúy Nga, Minh Huế và bà Hương Trần Kiều Dung - cựu Chủ tịch HĐQT Chứng khoán BOS, Phó chủ tịch Thường trực Công ty CP Tập đoàn FLC làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Faros. Sau khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, cựu chủ tịch FLC và các bị can đã bán nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Cơ quan chức năng xác định, các bị can đã thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng, sau đó, họ rút tiền mặt để chiếm đoạt.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Nguồn: VTV24
Với tâm lý đón đầu quy hoạch, nhiều nhà đầu tư mạnh bạo mua cả đất nông nghiệp (thổ canh) để chờ thời, chuyển đổi thành thổ cư thu lợi nhuận cao. Tất nhiên, rủi ro rất lớn...
Đại lộ mang tên cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại TP.Hồ Chí Minh, có tổng chiều dài 17,8km, chạy trên địa bàn quận 7 và huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh. Đây là tuyến đường vành đai 2, nối từ đường Huỳnh Tấn Phát tới điểm giao với QL1A.
Bị can Phan Đức Hồng (bác sĩ hưu trí) phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực, làm đẹp vùng kín cho chị N.T.L.T tại một cơ sở thẩm mỹ 'chui', khiến nạn nhân tử vong.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, sắp tới, gần 1200 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành, lĩnh vực sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/3/2023.
"Cát tặc" liều lĩnh mang máy múc cỡ lớn, xe tải ben, máy hút… ngang nhiên khai thác cát lậu, đồng thời cất cử người trông coi nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng những ngày cuối năm.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn phường Đình Bảng (TP Từ Sơn, Bắc Ninh) bị “xẻ thịt” biến thành các khu nhà xưởng, nhà ở trái phép và có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Đại diện Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, theo báo cáo sơ bộ, trong quá trình bảo trì cánh và turbine, có sai sót quên không khóa đảo cánh nên đã gây ra sự cố do gió giật, khép cánh không kịp ở trụ 30 thuộc Nhà máy điện gió Ia Pết - Đăk Đoa 2 (H.Đăk Đoa, Gia Lai).
Trong năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và hàng loạt chính sách môi trường (Không phân loại rác, không được thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi...) bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải chở đất lưu thông trên tuyến Quốc lộ 281 đoạn qua thôn Thanh Phúc, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) khiến cho đường sá bị hư hỏng nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông.
Với hai tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và tội Đưa hối lộ, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị hình phạt 30 năm tù.