Người bệnh Đ.V.Đ. 69 tuổi (An Sinh – Đông Triều) có tiền sử phẫu thuật cắt dạ dày do ung thư dạ dày cách đây 2 năm, đôi lúc có đau bụng cơn ngắn rồi tự khỏi. Trước khi vào viện người bệnh thấy xuất hiện đau quặn bụng kéo dài, bí trung đại tiện, nên được gia đình đưa vào Bệnh viện cấp cứu.
Sau khi được làm các xét nghiệm cần thiết, người bệnh được chẩn đoán: Tắc quai tới miệng nối dạ dày- ruột và được chỉ định phẫu thuật.
Hình ảnh tắc ruột của người bệnh trên phim chụp CT.Scanner (vị trí khoanh tròn) - Ảnh BVCC |
Theo TS.BS Vũ Đức Thụ, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa và tổng hợp Bệnh viện cho biết: Khi tiến hành phẫu thuật cho người bệnh, việc mở ổ bụng và tiếp cận vị trí tắc rất khó khăn bởi các quai ruột dính phức tạp. Các bác sĩ đã phải mất rất nhiều thời gian để gỡ dính và xử trí tổn thương, lập lại lưu thông đường tiêu hóa bằng nhiều miệng nối ruột- ruột cho người bệnh.
Cũng theo bác sĩ cho biết: tắc quai tới miệng nối dạ dày - ruột là bệnh lý hiếm gặp, triệu chứng lâm sàng và hình ảnh tổn thương bệnh lý thường không điển hình gây khó khăn cho chẩn đoán.
Để chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, cơ sở y tế cần phải có đội ngũ bác sỹ với kinh nghiệm lâm sàng tốt. Bệnh lý này có thể gây ra những nguy hiểm nếu không được phát hiện, theo dõi và xử trí kịp thời cho người bệnh. Nếu để lâu đoạn ruột tắc sẽ bị hoại tử, người bị tắc ruột có thể phải cắt nhiều đoạn ruột, thậm chí là có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh - Ảnh BVCC |
Tắc ruột có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Mất nước điện giải, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, nặng nề nhất có thể gây tử vong do hoại tử các quai ruột gây thủng ruột, vỡ ruột.
Qua đây, khuyến cáo người dân cẩn trọng trong khi ăn và không nên cố nuốt những thức ăn dai, cứng như gân, sụn để tạo thành nhân cho thực phẩm khác kết dính, vón cục. Hạn chế các thực phẩm như hồng ngâm, xoài xanh, ổi và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, mít...
Không nên chủ quan xem nhẹ những triệu chứng như đau bụng từng cơn, buồn nôn, bí trung đại tiện, bụng chướng…Vì rất có thể bạn đang bị tắc ruột.
Hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất, chuyên khoa tiêu hóa để thăm khám và điều trị kịp thời. Việc phẫu thuật sớm sẽ đảm bảo sức khỏe cũng như tính mạng người bệnh.
Để giảm nguy cơ tắc ruột nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, trong đó có nhiều chất xơ và ít chất béo. Nên giảm thiểu sự tiếp xúc với các chất độc, bao gồm thuốc lá và rượu...