10% dân số mắc sỏi túi mật: Phòng ngừa cách nào?

Sỏi túi mật là bệnh thường hay gặp ở Việt Nam, chiếm đến khoảng 8 – 10% dân số. Triệu chứng sỏi chưa thật sự rõ ràng và t thường chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi sỏi đã gây ra biến chứng.

Nhiều loại sỏi túi mật

Các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Xuyên Á cho biết, sỏi túi mật là tình trạng xuất hiện các viên sỏi trong túi mật, một cơ quan nhỏ nằm ở dưới gan, đóng vai trò chứa dịch mật giúp tiêu hóa chất béo. Sỏi có kích thước đa dạng, sỏi túi mật có thể có kích thước từ vài mm đến vài cm và thường được chia thành hai loại chính: sỏi cholesterol và sỏi sắc tố.

Những viên sỏi lớn có thể gây tắc nghẽn con đường vận chuyển mật tự nhiên, dẫn đến nhiều vấn đề đáng lo ngại cho sức khỏe. Trong một số trường hợp, sỏi mật liên quan trực tiếp đến các bệnh lý nguy hiểm như: viêm túi mật, hoại tử túi mật, ung thư túi mật…

Sỏi túi mật gồm 3 loại chính:

Sỏi cholesterol: Thành phần sỏi cholesterol có chứa ít nhất 80% cholesterol, màu vàng nhạt, xanh đậm, nâu hoặc trắng phấn, hình bầu dục, hình thành đơn độc, dài từ 2 – 3cm, mỗi viên có một đốm nhỏ sẫm màu ở trung tâm.

Sỏi sắc tố mật (sỏi bilirubin): Sỏi sắc tố mật cấu tạo chủ yếu từ bilirubin và muối canxi (canxi photphat), chứa ít hơn 20% cholesterol, thường hình thành với số lượng lớn. Kích thước nhỏ, sẫm màu, thường là màu đen.

Hình ảnh sỏi cholesterol

Hình ảnh sỏi cholesterol

Sỏi hỗn hợp (sỏi sắc tố nâu): Thành phần chứa 20 – 80% cholesterol, còn lại là canxi cacbonat, palmitat photphat, bilirubin và các sắc tố mật khác (canxi bilirubinat, canxi palmitat, canxi stearat). Do hàm lượng canxi cao, sỏi hỗn hợp có thể được phát hiện thông qua chụp X-quang. Loại sỏi này thường hình thành thứ phát sau nhiễm trùng đường mật.

Bất kỳ ai cũng có thể bị sỏi túi mật

Sỏi túi mật có thể gặp ở bất kỳ ai, người trẻ tuổi thường sẽ ít bị hơn. Nguyên nhân thường gặp là do chuyển hoá, khi trong dịch mật có nồng độ cholesterol dư thừa quá cao tạo thành các tinh thể, các tinh thể này lâu ngày kết lại thành các viên lớn được gọi là sỏi túi mật. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

Tăng cholesterol: Khi gan tiết quá nhiều cholesterol mà dịch mật không thể hòa tan hết, cholesterol sẽ kết tinh và tạo thành sỏi.

Giảm hoạt động túi mật: Nếu túi mật không co bóp thường xuyên hoặc không hoàn toàn, dịch mật bị tích tụ và dễ tạo thành sỏi.

Yếu tố di truyền: Có tiền sử gia đình bị sỏi túi mật. Gia đình có người mắc sỏi túi mật sẽ có nguy cơ cao hơn.

Béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo ít chất xơ: Những yếu tố này làm tăng cholesterol trong dịch mật.

Hình ảnh sỏi sắc tố mật (sỏi bilirubin)

Hình ảnh sỏi sắc tố mật (sỏi bilirubin)

Lười vận động: không thường xuyên tập thể dục thể thao, những người làm công việc văn phòng, ít vận động, ngồi nhiều hoặc những người được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch dài ngày (người thực vật) rất dễ bị tình trạng này.

Các yếu tố khác: Sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormone, đang mang thai, người bị tiểu đường, người mắc bệnh đường ruột, chẳng hạn như Croh,…

Nhiều biến chứng đe dọa tính mạng

Hầu hết người bệnh không có triệu chứng cụ thể, sỏi túi mật được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe, thực hiện siêu âm các bệnh lý khác,…hoặc khi sỏi đã gây ra biến chứng

Một số triệu chứng như:

Đau bụng âm ỉ dưới sườn phải, xuyên ra lưng, lên vai phải. Cơn đau quặn dữ dội ít xảy ra, thường liên quan đến việc sỏi gây tắc ống cổ túi mật, viêm túi mật cấp đòi hỏi người bệnh phải nằm viện dùng thuốc, theo dõi và có thể phải can thiệp phẫu thuật cấp cứu nếu quá trình viêm tiến triển dẫn đến hoại tử túi mật.

Sốt, vàng da: Thường là sỏi đã gây biến chứng.

Để chẩn đoán sỏi túi mật, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau đây:

- Thực hiện xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng, viêm đường mật, viêm tuyến tụy, viêm túi mật, viêm gan…

- Siêu âm: Phương pháp này sử dụng thiết bị đầu dò và sóng âm thanh an toàn để tạo ra hình ảnh về cấu trúc túi mật, từ đó giúp phát hiện được sỏi mật.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Phương pháp chụp cắt lớp vi tính sẽ phát hiện ra hình ảnh về tuyến tụy, túi mật và ống dẫn mật, từ đó giúp phát hiện sỏi mật, các biến chứng như nhiễm trùng, tắc nghẽn túi mật, ống dẫn mật…

- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này sẽ tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan và mô mềm, giúp phát hiện sỏi túi mật trong đường mật.

Hai phương pháp thường được chỉ định trong điều trị sỏi túi mật bao gồm:

Điều trị nội khoa: Phương pháp điều trị nội khoa sẽ được chỉ định cho trường hợp phát hiện có sỏi cholesterol và người bệnh đang mắc bệnh lý nghiêm trọng, không thể can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, sỏi mật vẫn có nguy cơ tái phát, do đó có thể cần điều trị thường xuyên, thậm chí là suốt đời.

Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh uống thuốc Ursodiol NIH và Chenodiol NIH (những loại thuốc chứa axit mật) để phá vỡ sỏi cholesterol kích thước nhỏ. Người bệnh thường phải dùng thuốc hàng tháng hoặc hàng năm để đạt hiệu quả cao trong điều trị.

Ngoại khoa: Đây là phương pháp điều trị phổ biến đối với tình trạng sỏi túi mật. Trong quá trình thực hiện, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Sau khi cắt bỏ túi mật, dịch mật sẽ chảy ra khỏi gan qua ống gan và ống mật chủ, trực tiếp đi vào tá tràng.

Phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật: Đây là phương pháp được áp dụng nhiều hiện nay, rút ngắn thời gian điều trị, giảm đau sau mổ và an toàn. Bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật này thông qua nội soi ổ bụng. Người bệnh hoạt động thể chất có thể bắt đầu lại sau khoảng 1 tuần.

Sỏi túi mật nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng đáng lo ngại cho sức khỏe của người bệnh như sau:

Viêm túi mật: Sỏi mật mắc kẹt ở cổ túi mật có thể gây viêm túi mật, xuất hiện với những cơn đau dữ dội kèm sốt.

Tắc nghẽn ống tụy: Ống tụy vận chuyển dịch tụy hỗ trợ tiêu hóa, có thể bị tắc nghẽn do sỏi mật, dẫn đến viêm tụy, gây đau bụng dữ dội. Trong trường hợp này, người bệnh buộc phải nhập viện thường xuyên để theo dõi và điều trị.

Tắc nghẽn ống mật chủ: Sỏi mật có thể làm tắc nghẽn con đường vận chuyển dịch mật từ túi mật đến ruột non, gây vàng da, đau bụng, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng ống mật.

Ung thư túi mật: Những trường hợp có tiền sử mắc sỏi mật sẽ đối mặt với nguy cơ ung thư túi mật cao hơn.

Cách phòng ngừa bệnh sỏi túi mật

Một chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục thể thao đều đặn sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh sỏi túi mật. Các phương pháp cụ thể như sau:

- Duy trì cân nặng hợp lý: Tránh tăng cân quá nhanh, đặc biệt ở người béo phì.

- Chế độ ăn lành mạnh: Hạn chế thực phẩm giàu cholesterol, bổ sung nhiều rau xanh và chất xơ. Chẳng hạn như: Trái cây, rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch…). Ăn thực phẩm giàu chất béo lành mạnh, chẳng hạn như dầu cá, dầu ô liu, để hỗ trợ túi mật co bóp ổn định.

- Vận động thường xuyên: Giúp tăng cường hoạt động của túi mật và giảm nguy cơ hình thành sỏi.

- Sỏi túi mật là bệnh lý phổ biến và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa là yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Theo Đời sống
back to top